Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Chứng khoán Việt Nam và thế giới: Quy luật liên thông ngược
2011-04-15 15:19:04

Chứng khoán Việt Nam không liên thông với thế giới khi chứng khoán thế giới “lên”, nhưng lại “sẵn sàng” liên thông khi chứng khoán thế giới “xuống”.

Cuối cùng vẫn chết!

Nhắc lại câu chuyện chứng khoán Việt Nam chịu tác động của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới hẳn có vẻ lạ lẫm đối với một số nhà đầu tư. Còn nhớ, cách đây hơn một năm, nhà đầu tư bắt đầu than thở rằng khi chứng khoán Mỹ lên thì chứng khoán Việt Nam cứ ì ra, không nhúc nhích, còn lúc chứng khoán Mỹ giảm thì Việt Nam cũng giảm luôn.

Một thời gian sau, độ lệch pha càng lộ liễu. Song, độ nửa năm trở lại đây, trên các diễn đàn chứng khoán và trong câu chuyện thường ngày tại các sàn giao dịch, nhiều nhà đầu tư dường như đã quên hẳn Dow Jones và diễn biến trên TTCK Mỹ.

Cũng nên cảm thông với luồng tâm lý này, bởi trong toàn bộ đợt tăng trưởng hầu như liên tục của Dow Jones từ tháng 7/2010 đến nay và làm cho gần hết các TTCK châu Á nhộn nhịp, hình như màu xanh của thế giới chẳng có ảnh hưởng gì lắm đến TTCK Việt Nam.

Trong suốt khoảng thời gian đó, TTCK Việt Nam chỉ có một đợt tăng duy nhất từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/2010, mà lại nhằm đúng lúc Dow Jones đang điều chỉnh ngắn hạn. Ngoài ra, TTCK nước ta chỉ có đỏ và đỏ, may lắm là đi ngang.

Song mới đây, một nhà đầu tư lại ca thán trên diễn đàn chứng khoán: "TTCK Mỹ từ hơn 7.000 bây giờ đã hơn 12.000. Các phiên xuống chỉ là điều chỉnh thôi... TTCK Việt Nam thì sao? Mọi người đều biết xuống cả năm, lên được tí thì kêu la ầm ĩ. Hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều chết".

Nội dung cảm thán của nhà đầu tư này có thể sẽ khiến cho những nhà đầu khác còn trăn trở với thị trường phải liên tưởng đôi chút về sự lệch pha kỳ quặc giữa chứng khoán Việt với các TTCK trên thế giới, về một hiện trạng không thể chối bỏ được là TTCK nước ta hiện giờ đang trở thành một điểm trũng trong một vùng trũng của mặt bằng giá chứng khoán quốc tế.

Xin hãy lưu ý, sự lệch pha kỳ quặc trên vẫn có thể tiếp tục hành trình của nó, nhưng có thể dưới một cái áo khác: sự "đồng pha". Đó là trường hợp trong thời gian tới, chứng khoán thế giới đi ngang hoặc giảm lại. Khi đó chứng khoán Việt sẽ ra sao?

Hãy đừng vội kết luận là diễn biến của thị trường nước ta với phần còn lại của thế giới không có gì liên thông. Cẩn trọng hơn, bạn nên suy xét đến ý đồ của những nhà tạo lập đối với TTCK Việt Nam. Nếu như gần một năm nay, họ đã không tận dụng cơ hội Dow Jones tăng điểm để kích thích tâm lý đám đông của nhà đầu tư trong nước, thì khó có lý gì trong thời gian tới, khi Dow Jones đi ngang hoặc sụt giảm, họ lại hào hứng "đánh lên".

Mà những rủi ro đối với TTCK Mỹ là có thực. Cú điều chỉnh hơn 6% từ giữa tháng 2 đến gần giữa tháng 3/2011 của Dow Jones, tuy không quá mạnh, nhưng đã cho thấy các vấn đề kinh tế vĩ mô đang tạo áp lực ngày càng lớn lên thị trường. Mặc dù kinh tế Mỹ được dự báo vẫn có khả năng đạt 3,6% tăng trưởng GDP trong năm nay và đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp có thể được rút xuống còn 8,3%, nhưng những ám ảnh về nợ công đối với bản thân chính phủ Mỹ và hệ quả lạm phát từ châu Âu vẫn đang thường trực trong tâm não giới đầu tư.

Chính vì thế, trong đợt phục hồi từ giữa tháng 3/2011 đến nay, chỉ có Dow Jones vượt nhẹ qua đỉnh trước đó, trong khi cả S&P 500 và Nasdaq đều không nhích qua được ngưỡng kháng cự trên. Cũng bởi, tính thanh khoản của các TTCK Mỹ gần đây chỉ bằng khoảng 80-85% so với mức trung bình của năm 2010 và 2011. Điều đó cho thấy lực cung trong những thị trường này có thể gia tăng bất kỳ lúc nào, trong khi lực cầu vẫn luôn giữ thái độ thận trọng.

Ở châu Âu, đáng chú ý là hàng loạt quốc gia Bắc Âu có biểu đồ chứng khoán tăng trưởng khá ổn định từ hàng năm nay, hiện giờ đã có dấu hiệu đuối sức, một số thị trường bị sụt khá mạnh trong thời gian qua. Ngoại lệ, Hy Lạp vẫn là một trường hợp luôn phải để ý tới với vấn đề nợ công và TTCK đang trong trạng thái đi ngang không ổn định. Riêng với Bồ Đào Nha, tuy chỉ số chứng khoán vẫn đang cố níu kéo giá trị của nó, nhưng việc chính phủ nước này đã chính thức đệ trình lên Cộng đồng châu Âu lời cầu cứu hỗ trợ để khỏi bị vỡ nợ đã chứng tỏ xứ Bồ sẽ sớm trở thành một tác nhân gây "mất trật tự" đối với nền kinh tế Âu châu.

Còn khu vực châu Á, tuy bao gồm những thị trường mới nổi hấp dẫn dòng tiền đầu tư từ các châu lục khác, nhưng ngay cả Hang Seng của Hồng Kông, Kospi của Hàn Quốc, Straits Times của Singapore cũng chỉ có thể dao động hẹp chứ không còn giữ được nhịp thăng hoa như trước đó. Với những quốc gia đã từng có tỷ lệ tăng trưởng chứng khoán quá ấn tượng như Mông Cổ và Bangladesh, đà rơi của TTCK sắp tới ở những nước này là có thể dự đoán được.

Nhìn toàn cục, các TTCK trên thế giới dường như đã bắt đầu thoái lui sau những đợt tăng trưởng khá. Một số nhà phân tích và bình luận của Mỹ cũng đã bắt đầu nêu ra những dự đoán không mấy sáng sủa về triển vọng của TTCK nước này trong những tháng tới. Về cơ bản, giới phân tích vẫn đánh giá cao khả năng duy trì đi ngang của TTCK Mỹ. Nhưng cũng như những phán đoán được đưa ra từ cuối năm trước và những tháng đầu năm nay, năm 2011 sẽ không loại trừ những đợt giảm mạnh và bất ngờ đối với TTCK Mỹ.

Quy luật liên thông ngược

Vào ngày 14/4/2011, hai sàn chứng khoán Việt Nam đã sideway (đi ngang) được hơn một tháng. Trong thời gian đó, HOSE có 13 phiên tăng và 15 phiên giảm; còn HNX khó khăn hơn, chỉ có 11 phiên tăng trong khi có tới 17 phiên giảm. Nhưng điều đáng nói hơn là trong lúc biểu đồ của HOSE vẫn là sideway thì HNX đã "kịp" về gần sát đáy cũ 88,5 điểm.

Diễn biến tương quan như vậy giữa hai sàn không khác mấy với giai đoạn cuối tháng 8 - cuối tháng 11/2010, với kết quả HNX luôn là kẻ phải chịu thua thiệt nhiều nhất.

Giai đoạn mà giới phân tích kỹ thuật gọi là sideway trên cũng được kéo dài một cách đầy chủ ý. Trong lịch sử vận động của các TTCK thế giới, giai đoạn kéo ngang này càng dài thì càng nguy hiểm với xác suất giảm lớn hơn hẳn xác suất tăng. Mặt khác, việc HNX giảm về sát đáy cũ cho thấy chu kỳ đi ngang của chỉ số này đã sắp kết thúc, và thời điểm này lại trùng với thời điểm chứng khoán thế giới bắt đầu đuối sức; do đó, có thể dẫn đến khả năng nếu như không có lực "đánh lên", trong những ngày tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam sẽ ít nhiều phải gánh chịu tác động từ những phiên sụt giảm bất thường của Dow Jones. Ứng với những phiên đó, nếu như lực cầu không được tung vào mà ngược lại, lực bán khống xuất hiện để "đánh xuống" thì TTCK Việt Nam chỉ còn một nước là lao dốc.

Nếu trường hợp đó lại xảy ra như đã từng xảy, những nhà đầu tư ít nhiều đã nghiên cứu về Dow Jones lại có thêm lý do để cay đắng về một quy luật chưa được định hình: TTCK Việt Nam không liên thông với thế giới khi chứng khoán thế giới "lên", nhưng lại "sẵn sàng" liên thông khi chứng khoán thế giới "xuống". Mà cứ như thế thì thật đúng là "cuối cùng vẫn chết"!

Theo Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,472.204,972.20
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,548.504,048.50
100g ABC Bullion Bar
14,528.8013,028.80
1kg ABC Bullion Silver
1,728.201,328.20
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 144
  • Truy cập hôm nay: 536
  • Lượt truy cập: 7806662