Luật kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 có đưa ra quy định về phương thức tính phí như theo giờ làm việc của kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên, hoặc từng dịch vụ kiểm toán với mức phí trọn gói sẽ hạn chế được tình trạng này. Nhiều người hy vọng, các văn bản quy định về xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới sẽ đem lại môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn... Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA)
Theo ông quy định về phương thức tính phí trong Luật kiểm toán độc lập 2011 có giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các công ty kiểm toán hay không?
Điều 44 Luật KTĐL 2011 có quy định về phương thức tính phí dịch vụ kiểm toán là dựa trên nội dung, khối lượng và tính chất công việc, thời gian, điều kiện làm việc.
Tuy nhiên, quy định chỉ là nguyên tắc tính, cơ sở tính phí. Các quy định này đã có từ Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 của Chính phủ nên không có điểm mới.
Quy định này phù hợp Luật cạnh tranh, Luật chống độc quyền… nên là sân chơi bình đẳng giữa các công ty kiểm toán.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường ở Việt Nam, việc tính phí còn phụ thuộc nhiều điều kiện thực tế mà pháp luật không chi phối được.
Do đó quy định này chưa giúp cải thiện thực tế tính phí kiểm toán khi Nhà nước chưa có sự tổng kết xem mức phí thực tế bị chi phối thế nào và cơ sở quy định có sát với thực tế không?
Trên thực tế hiện nay, nhiều BCTC mặc dù được các công ty kiểm toán lớn (thậm chí là Big 4) kiểm toán với mức phí rất cao nhưng vẫn có những sai sót. Trong nhiều trường hợp gây thiệt hại nặng cho các nhà đầu tư nhưng luật pháp lại không thể quy trách nhiệm được. Ông có cho rằng, mức phí đi đôi với chất lượng kiểm toán không?
Mức phí kiểm toán cao không có nghĩa là không có sai sót. Nhưng chắc chắn rằng mức phí cao sẽ được đầu tư nhiều thời gian, kiểm toán viên trình độ cao và nhiều kinh nghiệm nên chất lượng phải cao.
Ông cha ta đã nói: “Tiền nào của ấy”. Tôi cũng đã nói đôi lần: “Trong kiểm toán không có khái niệm nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.
Tuy nhiên trong thực tế cũng không hoàn toàn là phí thấp thì chất lượng thấp. Có những doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh, bản thân báo cáo tài chính do doanh nghiệp lập đã là trung thực và hợp lý thì dù rằng KTV không làm gì cả mà đưa ra báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp thuận toàn phần thì vẫn là đúng.
Trái lại khi doanh nghiệp đã cố tình gian lận thì KTV có kiểm tra thật kỹ, làm hết các thủ tục theo quy định với kinh nghiệm dày dạn thì vẫn có thể có sai sót.
Chuẩn mực kiểm toán quốc tế và thông lệ ở tất cả các nước vẫn thừa nhận có “Rủi ro kiểm toán”.
Vì thế ngay cả Big 4 cũng không thể khẳng định là không có rủi ro. Nhưng Big 4 là ít rủi ro nhất nên mới trở thành Big 4 được.
Hiện tại pháp luật chưa quy định rõ ràng được trách nhiệm của KTV khi xảy ra rủi ro. Sắp tới sẽ có Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, nhưng việc thực thi là do chủ quan con người. Sẽ chỉ xử phạt được khi chủ quan KTV để xảy ra sai sót.
Mức phí nào sẽ hài hòa được lợi ích chất lượng đối với DN và có lãi đối với công ty kiểm toán, thưa ông?
Không ai xác định được mức phí nào là hài hòa được lợi ích chất lượng và có lãi đối với công ty kiểm toán mà thị trường sẽ tự điều tiết.
Ngay cả với Big 4, nếu hạch toán theo từng khách hàng cũng sẽ có trường hợp lãi, có trường hợp lỗ.
Về tổng thể ai cũng nói phí của Big 4 rất cao nhưng cách đây 1 -2 năm, có Big 4 bị lỗ liên tục mấy năm liền.
Tôi chỉ khuyên các doanh nghiệp khách hàng rằng khi lựa chọn công ty kiểm toán thì mức phí chỉ là một căn cứ. Nhưng rõ ràng là mức phí thấp thì khó có thể có chất lượng cao; và đừng làm gì để mức phí bị “hao hụt” thì chất lượng càng giảm sút.
Ông có cho rằng nên quy định chặt hơn nữa trách nhiệm của công ty kiểm toán đối với các BCTC do họ kiểm toán hay không?
Luật KTĐL 2011 đã quy định đầy đủ, chặt chẽ trách nhiệm của công ty kiểm toán và của đơn vị được kiểm toán. Phải có sự rõ ràng trong trách nhiệm chung.
Dù KTV phải chịu trách nhiệm nặng nề thế nào nhưng không có sự liên đới của đơn vị được kiểm toán thì KTV cũng không thể thực hiện được trách nhiệm của mình.
Như từ trước đến nay, khi đơn vị được kiểm toán thiếu sự hợp tác, không chịu điều chỉnh các bút toán do KTV đề xuất thì KTV đưa ra ý kiến ngoại trừ. Thế là KTV tròn trách nhiệm trong khi cuộc kiểm toán không có hiệu quả.
Nay Luật KTĐL quy định trong trường hợp này KTV không được đưa ra ý kiến ngoại trừ và đơn vị được kiểm toán phải có trách nhiệm phối hợp với KTV để xử lý đến cùng các bút toán cần điều chỉnh.
Điều luật này sẽ rất hiệu quả khi cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư không chấp nhận báo cáo kiểm toán ngoại trừ như trước.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh (thực hiện)
Theo TTVN
http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/tong-thu-ky-hh-kiem-toan-phi-chi-la-mot-can-cu-khi-chon-cong-ty-kiem-toan-2012111210200109ca31.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 293
- Truy cập hôm nay: 4855
- Lượt truy cập: 7795262