Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Cuộc chiến thương hiệu Việt: Dấu chấm hết cho Tribeco
2013-07-06 08:14:44

Từ niềm tự hào...

Tribeco trước ngày bị Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) thâu tóm, đã có lịch sử 20 năm hoạt động và được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao trong 11 năm liền. Lên sàn vào cuối năm 2001, chính thức liên doanh vào năm 2008 và tuyên bố giải thể vào tháng 8.2012.

Năm 2001, Tribeco là doanh nghiệp thứ 9 lên sàn chứng khoán TP.HCM với mã cổ phiếu TRI và liên tục nhiều năm sau đó được đánh giá cổ phiếu tốt, bởi có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, TP.HCM còn chọn 2 sản phẩm của công ty là sữa đậu nành và nước ngọt có ga làm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Về mặt thương hiệu, Tribeco tạo được hiệu ứng hình ảnh rất tốt khi tham gia tài trợ cho cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP.HCM liên tục trong nhiều năm. Đây là chương trình marketing hiệu quả được đánh giá cao vào thời điểm đó. Liên tục nhiều năm liền cổ phiếu TRI luôn được các quỹ đầu tư chăm sóc tận tình bởi cổ tức được trả đều mỗi năm trên dưới 18%... TRI yên lành cho đến ngày họ quyết định bắt tay với "ông lớn".

Năm 2005, Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô, đang là thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa, tham vọng mở rộng sang nước giải khát đã chọn TRI để đầu tư. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô lúc đó đã cho rằng, muốn lập một công ty nước giải khát mới nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để làm thương hiệu, mở kênh phân phối, quảng bá sản phẩm… TRI là lựa chọn tối ưu nhất cho tham vọng này. 35% cổ phần của TRI được Kinh Đô mua lại và vị Tổng giám đốc Kinh Đô lúc đó không giấu giếm khi cho biết: “Việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng của công ty”.

Tham vọng của Kinh Đô đặt vào “ván bài” này là sẽ giúp tăng doanh số của Tribeco tăng 30% mỗi năm và sau 3 năm là tăng 100%. Trả lời báo giới, ông Nguyễn Xuân Luân, Tổng giám đốc Tribeco lúc đó cho rằng, đó là quyết định 2 bên cùng có lợi, Tribeco nếu không hợp tác để đẩy mạnh phát triển sẽ sớm bị đối thủ ngoại tranh mất thị trường.

Sau khi có cổ  đông lớn là Kinh Đô, trong hai năm 2006 và 2007, Tribeco tiếp tục xây 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên) với tỷ lệ góp vốn Tribeco 80%, Kinh Đô 20%. Tiếp đó, đầu năm 2007, Tribeco lại tiếp tục bán 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan Uni-President. Tuy nhiên, đó là những quyết định đầu tư vội vã và đánh giá sai thị trường. Có thêm 2 nhà máy đi vào hoạt động với công suất gần trăm triệu két/năm. Trong khi doanh số bán ra của Tribeco từ trên 8 triệu két đến năm 2007 tụt còn 6 triệu két/năm.

Đến nợ nần và giải thể

Vay tiền xây nhà máy nhưng không chạy hết công suất, doanh số bán ra ngày càng giảm, Tribeco rơi vào cảnh nợ nần. Thậm chí phải đi vay vốn để nuôi 2 nhà máy mới ở Bình Dương và Hưng Yên. Đỉnh điểm là cuối năm 2008, Tribeco tuyên bố lỗ 145 tỉ đồng, vốn âm hơn 5 tỉ đồng, mặc dù 3 quý đầu năm lại báo lãi. Năm 2009, Tri lỗ tiếp 82 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 20 tỉ đồng và đến cuối 2011, TRI lỗ lũy kế lên đến 312 tỉ đồng.

Cũng chính thua lỗ triền miên, năm 2010, TRI đã bán hết cổ phần Tribeco Miền Bắc, cuối năm 2011 bán hết Tribeco Bình Dương. Chấm dứt giấc mơ mở rộng sản xuất và thị phần ngắn ngủi. Cuối tháng 8.2012, Đại hội cổ đông bất thường của Tribeco Sài Gòn đã tuyên bố giải thể doanh nghiệp. Cổ phần trôi nổi của công ty được HĐQT mua lại với chỉ 2.300 đồng. Điều đáng nói là khi giải thể, Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần của Tribeco (3 năm trước là 15%) và trở thành chủ nhân mới của Tribeco Bình Dương.

Cả Kinh Đô và Uni-President đều kinh doanh trong ngành nước giải khát, có thương hiệu và tài chính mạnh. Tại sao sau khi bắt tay với Tribeco, lại khiến liên doanh lỗ và đi xuống thê thảm đến vậy? Đại diện phía Uni-President từ chối phát biểu về thương vụ này bởi cho rằng đã cũ để đề cập. Kinh Đô tuyên bố không còn dính dáng đến liên doanh sau khi thoái vốn hoàn toàn ở Tribeco.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “độ vênh nhau rất lớn giữa doanh nghiệp Việt và quốc tế trong mặt bằng chung của thế giới kinh doanh hiện đại” đã dẫn đến những cuộc thâu tóm vô tiền khoáng hậu này. Có thể thấy, kịch bản thâu tóm của Dạ Lan và Tribeco đối với các đối tác ngoại là na ná nhau. Nghĩa là, sau khi liên doanh, công ty luôn được tạo điều kiện thua lỗ triền miên bằng cách chi mạnh cho các khoản khuyến mãi, tăng lương… mục đích cho công ty lỗ càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Sau đó, liên doanh sẽ đề nghị tăng vốn lên, tất nhiên phía công ty ngoại sẵn sàng nhưng ông chủ Việt lấy tiền đâu. Chịu không nổi, bứt quá, chỉ biết bỏ cuộc, may mắn lắm thì bán lại cho đối tác bằng giá vốn.

Ngoài ra, có một chi tiết nữa cũng gây không ít thắc mắc cho giới kinh doanh là việc thâu tóm Tribeco của đối tác nước ngoài phải chăng có sự “tiếp tay” của các cổ đông lớn. Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6.2012, toàn bộ thành viên trong HĐQT là người của Kinh Đô đồng loạt từ nhiệm. Kinh Đô cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco, giao quyền kiểm soát Tribeco cho đối tác Đài Loan. Như vậy, riêng với Kinh Đô, tham vọng mở rộng sang lĩnh vực nước giải khát và cùng đối tác Việt để tạo bộ đôi vững mạnh cùng phát triển coi như cũng phá sản. Điều này có nằm trong chiến lược của công ty trước đó?

Theo Lam Nghi

Thanh niên

http://cafef.vn/thi-truong-chung-khoan/cuoc-chien-thuong-hieu-viet-dau-cham-het-cho-tribeco-2013070603011759010ca31.chn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,339.804,904.80
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,437.104,017.10
100g ABC Bullion Bar
14,172.5012,872.50
1kg ABC Bullion Silver
1,671.001,321.00
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 54
  • Truy cập hôm nay: 1022
  • Lượt truy cập: 7770893