Vàng & hưng thịnh quốc gia (K1): Một chính sách, 2 kết quả
2013-03-19 08:35:03
Khi đối mặt với căng thẳng tiền tệ, hối đoái, cả Ấn Độ và Hoa Kỳ đều tung ra những chính sách kiểm soát vàng. Chính sách này rất thành công ở Hoa Kỳ, góp phần giúp nước này vượt thoát đại khủng hoảng và vươn tới vị trí siêu cường.
Ngược lại, Ấn Độ chứng kiến tình trạng buôn lậu bùng phát, kéo theo thoái hóa đạo đức xã hội và tham nhũng tràn lan. Từ một thế lực siêu cường trong hầu hết lịch sử loài người, Ấn Độ đã sa sút nhanh chóng.
Hoa Kỳ - Sắc lệnh 6102
Hoa Kỳ là nước áp dụng bản vị vàng, bản vị bạc hoặc cả 2 kể từ năm 1785. Đến đầu những năm 1930, khi đại khủng hoảng diễn ra, nền kinh tế bị tổn hại nặng nề, chính phủ cần thêm vàng để có thể in thêm tiền hòng phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, dự trữ vàng của Hoa Kỳ còn rất ít. Nếu chính phủ mua thêm vàng, giá vàng sẽ bị đẩy lên cao và tình hình càng khó khăn hơn. Trước những khó khăn đó, Tổng thống Franklin Roosevelt ký ban hành Sắc lệnh 6102, cấm người dân nắm giữ vàng. Sắc lệnh cấm việc mua bán vàng và yêu cầu người dân phải bán vàng họ có cho chính phủ.
Người nào vi phạm sắc lệnh sẽ bị phạt 10.000USD (tương đương 180.000USD ngày nay) hoặc bỏ tù 10 năm, hoặc cả 2. Sắc lệnh này đã được nâng cấp thành Đạo luật Kiểm soát vàng vào năm 1934.
Người dân Hoa Kỳ đã phản ứng khá tích cực đối với sắc lệnh này, một phần vì lòng yêu nước và một phần vì sợ án phạt quá nặng. Điều này có thể nhìn thấy qua dự trữ vàng khổng lồ của Hoa Kỳ ngày nay.
Theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) năm 2012, dự trữ vàng của Hoa Kỳ ước 8.133,5 tấn, đứng đầu thế giới. Một số nhà phân tích tin rằng Sắc lệnh 6102 là một trong những chính sách quan trọng giúp Tổng thống Roosevelt thành công trong việc chống lại cuộc đại khủng hoảng, trở thành một vị tổng thống huyền thoại trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ấn Độ - Đạo luật Kiểm soát vàng
Người Ấn Độ nổi tiếng khắp thế giới là một dân tộc ưa chuộng các loại trang sức bằng vàng. Từ thời văn minh Lothal, họ xuất khẩu các loại gia vị, tơ lụa và những thứ khác và nhập về vàng bạc, kim cương và ngọc trai.
Lịch sử bị xâm lăng nhiều lần khiến người Ấn Độ có thói quen tích trữ vàng vì chúng dễ mang, dễ cất giấu và cũng dễ tiêu thụ. Hệ thống thừa kế, đặc biệt trong thời kỳ Mughal khi nhà nước phê chuẩn việc để lại tài sản từ đời này sang đời khác, cũng làm gia tăng nhu cầu vàng.
Sau khi giành độc lập từ người Anh, Ấn Độ lại rơi vào tranh chấp biên giới với Trung Quốc năm 1962 và đối mặt với sức ép hối đoái lớn.
Để đối phó với tình hình này, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ lúc đó là Morarji Desai đã đưa ra Đạo luật Kiểm soát vàng (năm 1962), thu hồi tất cả vàng do các ngân hàng cho vay và cấm mọi giao dịch vàng. Năm 1963, hoạt động sản xuất vàng nữ trang trên 14 carat bị cấm. Năm 1965, một chương trình trái phiếu vàng được triển khai với miễn trừ thuế đối với tài sản không kê khai. Nhưng tất cả nỗ lực này đều thất bại.
Năm 1968, Bộ trưởng Desai lại ban hành Đạo luật Kiểm soát vàng (sửa đổi), theo đó cấm người dân sở hữu vàng thỏi và vàng xu. Tất cả vàng thỏi và vàng xu đang tồn tại phải được chuyển thành vàng nữ trang và khai báo với nhà chức trách.
Thợ kim hoàn không được sở hữu hơn 100g vàng. Những cửa hiệu vàng có giấy phép không được sở hữu hơn 2kg vàng. Các cửa hiệu cũng bị cấm giao dịch với nhau. Với những chính sách đó, Desai tin người dân sẽ phản ứng tích cực, giảm tiêu thụ vàng và tăng dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, những gì diễn ra sau đó hoàn toàn ngược lại. Nhu cầu vàng trong dân vẫn cao như trước khiến việc nhập vàng lậu gia tăng, chiếm tới 30-70% nhập khẩu thực, theo những ước tính phi chính phủ.
Thị trường chợ đen đã hình thành và phát triển để chi trả cho vàng nhập lậu. Không chỉ vậy, với mục tiêu đa dạng hóa rủi ro, những tay buôn lậu vàng còn kết hợp buôn lậu ma túy, khiến tình hình càng thêm phức tạp. Nền kinh tế đen và tình trạng trốn thuế phát triển mạnh, tham nhũng theo đó cũng tràn lan. Nền kinh tế Ấn Độ tuột dốc thê thảm mãi đến những năm đầu thập kỷ 90, khi chính phủ có những điều chỉnh mạnh mẽ.
Dù vậy, tình trạng nhập lậu vàng ở Ấn Độ hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong năm 2012, sau khi chính phủ ban hành nhiều quy định hạn chế nhập khẩu vàng. Theo ước tính, trong 4 lượng vàng nhập vào Ấn Độ năm 2012, có 1 lượng vào bằng nhập lậu. Đầu năm 2013, Ấn Độ tiếp tục hạn chế nhập khẩu vàng bằng việc nâng thuế nhập khẩu vàng lên 6%, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia.
Điều gì khiến Ấn Độ thất bại? Chính phủ kiểm soát thị trường vàng, cấm nhập khẩu vàng và hy vọng người dân phản ứng tích cực bằng cách giảm tích trữ vàng.
Tuy nhiên, người dân đã phản ứng theo hướng tiêu cực: tìm đến vàng nhập lậu để thỏa mãn nhu cầu vàng khi hoạt động mua bán chính thức bị hạn chế. Giới phân tích tin rằng để người dân phản ứng tích cực hơn, chính phủ nên lôi kéo sự ủng hộ Đạo luật Kiểm soát vàng từ các học giả, chuyên gia, những người có uy tín và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Như trường hợp ở Hoa Kỳ, Sắc lệnh 6102 của Tổng thống Roosevelt đã được giới chuyên gia và truyền thông ủng hộ mạnh mẽ. Ngoài ra, Ấn Độ thiếu những hình phạt nghiêm khắc như của Hoa Kỳ, hệ thống tư pháp và các đơn vị thực thi việc tuân thủ đạo luật cũng yếu kém.
Theo Văn Cường
Sài Gòn đầu tư
http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/vang--hung-thinh-quoc-gia-k1-mot-chinh-sach-2-ket-qua-201303181413022501ca32.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,350.00 | 4,930.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,445.50 | 4,045.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,209.50 | 12,909.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,703.30 | 1,353.30 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh songphucgold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 448
- Truy cập hôm nay: 9276
- Lượt truy cập: 7759178