Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Vàng trong cách nhìn mới của các ngân hàng trung ương
2010-09-29 10:59:20

Thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương đối với vàng một phần là kết quả của kết thúc tự nhiên đối với hoạt động ồ ạt bán vàng suốt nhiều năm trời.
Anh minh hoa

Thời gian này, các ngân hàng trung ương trên thế giới lại đang “phát sốt” vì vàng, nhưng theo cách ngược lại với những gì đã diễn ra trước đây. Tờ Financial Times đã có một bài viết phân tích về cách nhìn mới của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng trung ương thuộc khu vực châu Âu, đối với kim loại này.

Trong vòng 20 năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới, từ Canada tới Thụy Sỹ, từ Bỉ tới Australia, đua nhau bán vàng ra. Ở cuối thiên niên kỷ trước, đầu thiên niên kỷ này, tốc độ bán vàng của các ngân hàng trung ương mạnh đến nỗi, giới nhà đầu tư hài hước gọi ngân hàng trung ương là “những người thợ mỏ mới” - so sánh các nhà băng này với cánh thợ đào vàng ở California, Mỹ, hồi thế kỷ 19 đổ xô đi tìm vàng và bán vàng ồ ạt trên thị trường.

Khi các ngân hàng trung ương thi nhau bán vàng ra, vàng - loại tài sản đã bao thế kỷ đóng vai trò quan trọng tới mức có phần “thần bí”, được xem như một biểu tượng của sự ổn định - bỗng chốc trở nên không còn thời thượng và bị coi là thứ tín ngưỡng không đem lại lợi lộc. Lãnh đạo các ngân hàng trung ương muốn giữ trái phiếu vì tài sản này đem đến mức lợi nhuận đều đặn, thay vì những két sắt chứa đầy vàng làm phát sinh chi phí cất giữ và bảo hiểm, mà lại chẳng hứa hẹn một mức lợi nhuận đáng tin cậy nào.

Nhưng rồi sau đó, cùng với khủng hoảng tài chính nổ ra và những lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng nợ nần của các quốc gia, tâm lý “ngại” vàng dần lùi bước. “Trong hai thập kỷ qua, câu hỏi duy nhất đối với các ngân hàng trung ương là khi nào họ nên bán vàng và bán bao nhiêu. Giờ đây, câu hỏi này đã chuyển thành khi nào thì mua vàng và mua bao nhiêu”, ông George Milling-Stanley, một chuyên gia của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận định.

Sự chuyển biến chính sách của các ngân hàng trung ương - vốn trước đây không chỉ là đối tượng tham gia thị trường thận trọng nhất, đồng thời cũng là lực lượng kiểm soát nhiều thông tin nhất - là một bằng chứng rõ nét cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính đã làm thị trường toàn cầu thay đổi mạnh tới mức nào.

Giữa lúc niềm tin vào hệ thống tài chính sa sút nghiêm trọng, đối với mọi nhà đầu tư, từ những “gã khổng lồ” ở Phố Wall tới các chính phủ, sức hút của vàng đã gia tăng vì một lý do đơn giản đã cho phép vàng đóng vai trò trung tâm ở phương diện lưu trữ giá trị suốt hơn 2.000 năm: kim loại này không phải là nghĩa vụ nợ của bất kỳ ai.

Ngoài ra, sự lên ngôi của vàng còn phản ánh nỗi lo sợ trên diện rộng cho rằng, những động thái chính sách tiền tệ “vô tiền khoáng hậu” của các ngân hàng trung ương thời gian gần đây sẽ dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung tiền giấy và lạm phát tăng vọt, khiến chỉ có những tài sản như vàng trở thành “vịnh tránh bão” đáng tin cậy duy nhất.

Đối với thị trường vàng, sự đảo ngược xu hướng bán ra của các ngân hàng trung ương là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong thời gian gần đây. Giống như một “phiếu thuận” cho vàng, sự thay đổi chính sách này đã đem đến niềm tin cho các nhà đầu tư, từ những tỷ phú có tài sản gửi trong các nhà băng Thụy Sỹ tới những cụ hưu trí có vài món tiền nhỏ, đi mua vàng. Quan trọng hơn, sự thay đổi đó đã rút khỏi thị trường một nguồn cung vàng vốn rất lớn.

Ông Evy Hambro, nhà quản lý quỹ thuộc quỹ đầu tư BlackRock’s Gold General, cho rằng, sự thay đổi trong hành vi của các ngân hàng trung ương là “một yếu tố lớn hỗ trợ” cho giá vàng. Ông John Leven, người đứng đầu bộ phận giao dịch kim loại quý thuộc ngân hàng HSBC thì nhận định ngắn gọn rằng sự thay đổi đó là một “người thay đổi cuộc chơi”. Chính sách được điều chỉnh của các ngân hàng trung ương được các nhà phân tích xem là một nguyên nhân đẩy giá vàng đạt kỷ lục trên 1.300 USD/oz vào hôm 25/9 vừa qua. Tuy nhiên, nếu tính cả yếu tố lạm phát, thì giá vàng hiện nay vẫn còn thua mức giá thực tế 2.300 USD/oz thiết lập vào đầu năm 1980.

Thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương đối với vàng một phần là kết quả của kết thúc tự nhiên đối với hoạt động ồ ạt bán vàng suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên, thay đổi đó cũng phản ánh sự dịch chuyển quyền lực trên bản đồ thế giới: song song với sức mạnh kinh tế gia tăng của các nền kinh tế châu Á, các ngân hàng trung ương và các quỹ lợi ích quốc gia ở khu vực này cũng gia tăng khối lượng vàng nắm giữ.

Dấu hiệu rõ nét nhất về xu hướng mới kể trên là tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc năm ngoái cho biết đã tăng gần gấp đôi dự trữ vàng lên mức 1.054 tấn, đưa nước này trở thành quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 5 thế giới. Gần đây hơn, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nga và Philippines đã công bố tăng mạnh dự trữ vàng, trong khi các nước khác, từ Sri Lanka tới Bangladesh cũng rục rịch mua vàng vào. Các nhà giao dịch vàng và giới ngân hàng cho biết, nhiều quốc gia khác và các quỹ lợi ích quốc gia cũng đang lặng lẽ gom mua vàng.

Công ty tư vấn kim loại quý GFMS có trụ sở ở London, Anh, ước tính, năm nay là năm mà các ngân hàng trung ương đã lần đầu tiên mua ròng vàng lần đầu tiên kể từ năm 1988, dù khối lượng mua ròng mới chỉ vào khoảng 15 tấn. Những đợt mua vàng chính thức với quy mô lớn, lên tới vài trăm tấn, chưa lần nào diễn ra kể từ năm 1965 - trước thềm sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định neo buộc vào vàng Bretton Woods.

Trong khi đó, từ đầu thập niên 1990 tới nay, dòng vàng bán ra từ các ngân hàng trung ương đã góp phần dẫn tới sự sụt giảm liên tục của giá vàng. “Cú đấm” cuối cùng đối với thị trường, cũng như niềm tin đối với vàng với tư cách là một tài sản, đã xảy ra vào tháng 5/1999, khi Bộ Tài chính Anh tuyên bố sẽ bán ra một nửa dự trữ vàng của nước này. Cú sốc đó đã đẩy giá vàng xuống mức thấp nhất trong 23 năm, vào khoảng 250 USD/oz.

Động thái đó của London tác động sâu sắc tới tâm lý thị trường. Suốt nhiều thế kỷ, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của thị trường vàng, nhất là khi chế độ bản vị vàng đầu tiên được thiết lập vào năm 1717. Mặc dù chế độ bản vị vàng đã bị xóa bỏ nhiều thập kỷ, London cho tới giờ vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp vàng quốc tế. Giới đầu tư ở thời điểm năm 1999 lo ngại rằng, với việc nước Anh đẩy mạnh bán vàng, các quốc gia khác cũng sẽ sớm có hành động tương tự.

Và các nhà đầu tư đã đúng. Nhiều quốc gia khác như Tây Ban Nha đã cắt giảm tới một nửa dự trữ vàng trong cuộc đua bán vàng do nước Anh khởi xướng. Nước Pháp cũng bắt đầu một chương trình bán vàng quy mô lớn. Từ năm 1990 tới năm ngoái, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã bán ra khoảng 7.500 tấn vàng. Số liệu của GFMS cho thấy, trong thập kỷ qua, bình quân, mỗi năm có 442 tấn vàng được các ngân hàng trung ương bán ra, nhiều hơn sản lượng vàng hàng năm của nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới là Trung Quốc, đồng thời tương đương với khoảng 10% nhu cầu vàng hàng năm của thế giới.

Tác động của việc các ngân hàng trung ương thi nhau bán vàng lớn đến nỗi, để ngăn chặn sự xuống dốc không phanh của giá vàng, các ngân hàng trung ương ở châu Âu từ năm 1999 đã nhất trí đặt mức trần cho tổng lượng vàng mà họ bán ra hàng năm. Thỏa thuận này được gia hạn vào năm ngoái, nhưng trên thực tế, các ngân hàng trung ương ở khu vực này đã gần như đóng băng hoạt động bán vàng. Trong năm đầu tiên của thỏa thuận mới (hết hạn vào cuối tuần trước), 19 nước ký kế chỉ bán chưa đầy 10 tấn vàng.

Vậy xu hướng mua vàng sẽ còn tiếp diễn hoặc tăng tốc? Các chuyên gia về vàng có những câu trả lời rất khác nhau. Nhiều người cho rằng, hoạt động tích trữ vàn tại các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ gia tăng, nhưng nhiều người khác lại cho rằng, việc mua vàng năm nay chỉ là hoạt động nhất thời nhằm bù lại cho hoạt động bán ròng đã diễn ra suốt 20 năm qua.

Đối với những chuyên gia dự báo sự gia tăng của xu hướng tăng dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương, một lý do để tin tưởng điều này sẽ xảy ra là việc dự trữ vàng mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong dự trữ chính thức của các nền kinh tế mới nổi. Đối với các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), tỷ lệ này bình quân ở mức 5%, so với mức hơn 50% ở Mỹ và hầu hết các quốc gia châu Âu. Thực tế này đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển được cho là có thể sẽ mua thêm vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Những đợt mua vàng gần đây của Ấn Độ và Nga cho thấy lý thuyết này có thể là đúng. Nước Nga đang gom mua toàn bộ lượng vàng khai thác được tại các mỏ vàng trong nước, còn Trung Quốc cũng được cho là đang âm thầm gom vàng.

Nhưng vẫn có những lý do để thận trọng. Thị trường vàng không thể “tải” nổi những đợt gom mua lớn của các ngân hàng trung ương mà không đẩy giá vàng tăng như tên lửa. Nguồn cung vàng toàn cầu chỉ có giá trị dưới 200 tỷ USD mỗi năm, so với kho dự trữ ngoại hối toàn cầu trị giá 8.500 tỷ USD. Quan chức các ngân hàng trung ương nói vui rằng, vàng cũng giống như đồng Krone của Nauy trên thị trường ngoại hối, quá nhỏ bé để dùng cho việc đa dạng hóa dự trữ.

Do vậy, nhiều khả năng hơn cả, các nước đang phát triển sẽ tăng dần tỷ lệ vàng trong dự trữ chính thức của họ theo thời gian thêm vài phần trăm. Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Sau 1 thập kỷ Bắc Kinh tích lũy tài sản mạnh mẽ, vàng mới chỉ chiếm 1,6% trong dự trữ ngoại hối trị giá 2.500 tỷ USD của Trung Quốc, còn lại hầu hết là trái phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu của các nước khác, và các công cụ ngoại hối khác. Nếu Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối lên mức bình quân 10,7% của thế giới, nước này sẽ cần mua khoảng 7.000 tấn vàng, tương đương 3 lần sản lượng khai mỏ vàng toàn cầu trong năm 2009.

Ông Nghị Cương, người đứng đầu Cơ quan Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, đã lên tiếng phủ nhận việc nước này có bất kỳ động thái mua vàng quy mô lớn nào trên thị trường thế giới.

Ông Philip Klapwijk, một chuyên gia của GFMS cho biết, nếu Trung Quốc mạnh tay mua vàng trên thị trường thế giới thì giá vàng chắc chắn sẽ tăng vọt. “Bởi thế, nhiều khả năng là Trung Quốc bí mật gom mua vàng tại thị trường trong nước như mua tại các mỏ hoặc vàng vụn”, ông Klapwijk dự đoán. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, chỉ cần mua mỗi năm 100-150 tấn vàng tại thị trường nội địa thì dần dần, một nền kinh tế mới nổi cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn đối với tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối.
Mặc dù có lý do để cho rằng ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển có thể tiếp tục mua vàng trong tương lai, cũng có cơ sở để tin là ngân hàng trung ương của các nước phát triển, đặc biệt là ở đại lục châu Âu, sẽ lại bán vàng ra. Theo nhiều chuyên gia, sau 2 thập kỷ mạnh tay bán vàng, tỷ lệ dự trữ vàng của một số nước vẫn còn cao. Chẳng hạn, vàng chiếm tới 80% trong dự trữ ngoại hối của Bồ Đào Nha. Thống kê chính thức cho thấy, bình quân, các quốc gia thành viên trong Eurozone có 58% dự trữ ngoại hối dưới dạng vàng.
 
Tỷ lệ này quá cao so với mục tiêu 15% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra cho tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối của nhà băng này. Ngay khi khủng hoảng tài chính kết thúc, giới lãnh đạo ngân hàng và các chuyên gia tư vấn tin rằng, các ngân hàng trung ương ở châu Âu đang nắm giữ nhiều vàng sẽ lại bắt đầu bán vàng ra để thu lợi từ mức giá kỷ lục. “Tôi sẵn sàng đánh cược là trong vòng 5 năm tới, các ngân hàng trung ương sẽ lại bán ròng vàng”, ông Terence Keeley, một chuyên gia của hãng tư vấn Sovereign Trends, dự báo.

Tuy nhiên, cuộc đua bán vàng toàn cầu hồi cuối thập niên 1990 ít có khả năng sớm lặp lại. Với tâm lý lo ngại vẫn còn che phủ thị trường châu Âu, các ngân hàng trung ương ở khu vực này sẽ đủ khôn ngoan để tỏ ra rằng họ buộc phải bán vàng. Trong ngắn hạn, các chuyên gia dự báo ít khả năng có thêm bất kỳ đợt bán vàng nào của khu vực công, một khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoàn tất đợt bán 400 tấn vàng đang diễn ra vào năm tới. Nhìn chung, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng, trong thập kỷ tới, cả hoạt động mua vàng và bán vàng của các ngân hàng trung ương đều sẽ không diễn ra mạnh.

Theo ông Keeley, các ngân hàng trung ương đã cảm thấy day dứt vì những lời chỉ trích cho rằng họ tính toán thời điểm không tốt khi bán vàng trước đây. Chẳng hạn, nước Anh đã bán vàng khi giá vàng ở mức đáy vào năm 1999, còn các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu cũng bán vàng khi giá ở dưới ngưỡng 500 USD/oz.

Ông Keeley nhận xét: trong trường hợp này, có lẽ “khoanh tay đứng nhìn” là lựa chọn khôn ngoan.

Theo VnEconomy.





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,482.905,047.90
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,555.804,135.80
100g ABC Bullion Bar
14,554.1013,254.10
1kg ABC Bullion Silver
1,749.401,399.40
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 114
  • Truy cập hôm nay: 2344
  • Lượt truy cập: 7786523