Khi nào giá vàng trong nước mới sát với giá thế giới?
2013-04-20 09:11:33
Tuy nhiên, sức giảm của giá vàng trong nước nhỏ giọt nên khoảng cách giữa giá thế giới và trong nước ngày càng cách xa.
Nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi, tại sao lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước cung ứng ra thị trường qua các phiên đấu thầu đã lên đến hàng trăm lượng mà trên thị trường “cung vẫn chưa đủ cầu”.
Vàng chủ yếu được dùng để tất toán
Tính đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng thành công chín phiên, với tổng cộng 263.400 lượng vàng được cung ứng ra thị trường (tương đơn hơn 10 tấn vàng).
Nhìn lại phiên đấu thầu vàng đầu tiên, khi chỉ có 2 nghìn lượng được bán ra, khó ai có thể hình dung lượng vàng cung ra trên thị trường lại lớn như vậy chỉ trong thời gian ngắn. Lượng vàng đấu thầu, số đơn vị trúng thầu tăng mạnh sau mỗi phiên.
“Việc liên tục tăng số lượng vàng và tỷ lệ trúng thầu cao qua các phiên đấu thầu chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước quyết tâm ổn định thị trường vàng qua tổ chức đấu thầu vàng là phù hợp với diễn biến thị trường,” một chuyên gia nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, một trong những mục tiêu lớn Ngân hàng Nhà nước đã đạt được là tăng cung vàng miếng qua các phiên đấu thầu, từng bước cân bằng cung-cầu vàng miếng để ổn định thị trường. Qua đó cũng thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý, nói là làm chứ không phải “lời hứa suông”.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Đây có thể được xem là sự thành công xét ở hai khía cạnh. Thứ nhất, qua đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu thực hiện cung vàng miếng qua thị trường. Thứ hai, các văn bản, quy trình thiết kế phục vụ cho đấu thầu vàng được triển khai một cách thông suốt, phù hợp với thực tế.
Khi tăng cung vàng miếng ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã phân tích đánh giá về nhu cầu vàng miếng, trong đó có nhu cầu của một số tổ chức tín dụng phải mua vàng để tất toán số dư vàng huy động đúng hạn.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng miếng trúng thầu của các đơn vị được sử dụng để bán ra thị trường và một phần dùng để tất toán số dư vàng huy động của một số tổ chức tín dụng, góp phần làm giảm áp lực mua vàng trên thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2013 còn khoảng 10 ngân hàng chưa tất toán tài khoản kinh doanh vàng.
Không chỉ chịu áp lực tất toán trước 30/6, các tổ chức tín dụng kinh doanh trên thị trường (nhất là với đơn vị có mạng lưới rộng lớn) còn mua vàng để đáp ứng nhu cầu người dân. Do đó, việc các tổ chức tín dụng tham gia nhiều hơn với khối lượng trúng thầu vàng lớn cũng là điều dễ hiểu.
Khoảng cách giá ngày càng xa
Không thể phủ nhận những phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, cung-cầu vàng miếng từng bước cân bằng, giá vàng trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm dần.
Tuy nhiên, khoảng cách giá vàng giữa hai thị trường vẫn chưa có dấu hiệu rút ngắn, thậm chí ngày càng được "nới" rộng. Từ mức 3 triệu đồng/lượng tại thời điểm khi tổ chức đấu thầu (28/3), đến nay mức chênh đã lên hơn 6 triệu đồng/lượng, thậm chí khoảng cách này trong ngày 18/4 là gần 7 triệu đồng.
Một chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến cho giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn là do giá sàn của Ngân hàng Nhà nước đưa ra thường cao hơn hoặc bằng giá thị trường. Đại diện của Công ty vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội cho rằng, nếu không thay đổi về cách đặt giá sàn chắc chắn giá vàng trong nước vẫn vênh cao so với giá thế giới và người dân vẫn phải mua giá vàng cao so với thực tế.
Cùng chung quan điểm, một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước không mạnh tay “xuống giá” thì giá sàn trong các phiên đấu thầu mặc nhiên các doanh nghiệp coi đó là giá thị trường. Vị này thừa nhận, trên thực tế, các doanh nghiệp vàng “té nước theo mưa” và dựa trên cung cầu thị trường đưa ra mức giá bán chứ không thể một mình một chợ được.
Chính vì vậy, sau các phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng trên thị trường thường bị đẩy lên cao hoặc bị neo giá thay vì giảm theo đà biến động của giá thế giới. Chẳng hạn, phiên đấu thầu ngày 16/4, có 25.700 lượng vàng được đặt mua với giá trúng thầu từ 38,7-38,92 triệu đồng/lượng nhưng giá thị trường sau đó lên tới 41,5 triệu đồng/lượng. Phiên đấu thầu ngày 17 và 18/4 cũng diễn ra tương tự như vậy.
“Đây là mức chênh cao chưa từng thấy trong lịch sử, không thể làm ngơ và càng không thể coi việc người dân phải mua một lượng vàng với giá cao hơn tới 6-7 triệu đồng/lượng so với giá thế giới là dấu hiệu của một thị trường vàng bình ổn,” chị Nguyễn Thị Lan, phường Gia Thụy, quận Long Biên cho hay.
Rõ ràng, mục tiêu ban đầu của Ngân hàng Nhà nước khi đưa vàng ra đấu thầu đã không đạt được. Giá vàng trong nước cũng không còn là "bình thông" của giá vàng thế giới khi không giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Bất chấp giá vàng thế giới tuột mất hàng trăm USD/ounce, giá vàng trong nước lại giảm khá chậm.
Một chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ra chính sách khác để quản lý thị trường vàng thay vì cứ đấu thầu hết phiên này đến phiên khác trong khi mục tiêu đặt ra không đạt. Ngân hàng Nhà nước cũng không thể liên tục dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng về bán như nhà kinh doanh vàng, có thể gây rủi ro cho dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm nguồn vàng qua các phiên đấu thầu sẽ cân bằng cung-cầu vàng trên thị trường. Nếu lượng cung đủ lớn, trong khi lượng cầu không tăng thì ắt giá vàng sẽ tự điều chỉnh giảm.
Cũng đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương chỉ ra, cách làm của Ngân hàng Nhà nước hiện nay chỉ là phép thử, không chỉ là đáp ứng cho các ngân hàng để không gây những hiệu ứng tâm lý căng thẳng không cần thiết trong thị trường vàng trong nước, mà còn là học cách chơi.
“Tôi nghĩ phải sau thời gian tất toán được trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng thì lúc đó thị trường vàng mới có thể bình thường,” ông Thành nhận định.
Theo ông Thành, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là không cho giới đầu cơ lũng đoạn thị trường để trục lợi đến thời điểm này đã đạt được hiệu quả nhất định. Ngoài ra, mục đích này còn góp phần ổn định cán cân tiền ra tiền vào trên thị trường ngoại tệ; điều hòa được việc kiểm soát cung tiền để ổn định kinh tế vĩ mô.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, có lẽ thị trường cũng cần thời gian và có độ trễ nhất định để “hấp thụ” lượng vàng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông qua các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã trúng thầu. Chắc chắn là khi tăng cung vàng miếng cho thị trường, thì cung-cầu sẽ cân bằng hơn và mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm dần./.
Theo Thúy Hà
Vietnam+
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,350.00 | 4,930.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,445.50 | 4,045.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,209.50 | 12,909.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,703.30 | 1,353.30 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh songphucgold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 354
- Truy cập hôm nay: 686
- Lượt truy cập: 7760318