Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Chính sách điều hành lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định, nhưng thực tế thị trường có nhiều biến động
2009-12-23 08:17:25

So với năm 2008, chính sách tiền tệ và hoạt động của các ngân hàng thương mại trong năm 2009 đã có sự ổn định tương đối. Nhưng có những vấn đề nội tại vẫn chưa thể giải quyết, vẫn còn nhiều biến động và căng thẳng trên thị trường ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp

1. Chính sách tiền tệ tương đối ổn định

Năm 2008, việc thắt chặt tiền tệ đầu năm và nới lỏng dần cuối năm đã tạo nên tần suất điều chỉnh chính sách nhiều chưa từng có trong lịch sử. Đó là 8 lần điều chỉnh lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; 5 lần điều chỉnh dự trữ bắt buộc và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc; 3 lần nới biên độ tỷ giá, 2 lần tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Xét về tần suất điều chỉnh đó, năm 2009 chính sách tiền tệ có sự ổn định hơn.

Cụ thể, trong năm Ngân hàng Nhà nước chỉ một lần giảm lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7%/năm và duy trì đến hết tháng 11 để rồi tăng trở lại 8% từ 1/12 đến nay. Riêng lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu có 3 lần điều chỉnh, 2 lần giảm trong tháng 1 và 4, 1 lần tăng đầu tháng 12. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc có 1 lần điều chỉnh giảm từ tháng 3. Biên độ tỷ giá có 2 lần điều chỉnh, lần nới rộng từ +/-3% lên +/-5% từ 24/3 và thu hẹp lại từ +/-5% xuống +/-3% từ ngày 26/11. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ghi nhận một lần điều chỉnh trực tiếp, tăng mạnh 5% trong ngày 26/11.

2. Thị trường ngoại hối căng thẳng

Năm thứ hai liên tiếp thị trường ngoại hối bộc lộ những khó khăn rõ nét và những vấn đề nội tại chưa thể giải quyết. Có thể xem căng thẳng ngoại tệ là một trong những điểm nổi bật nhất của kinh tế Việt Nam năm 2009, nhất là khi xét đến những ảnh hưởng của nó đối với hoạt động doanh nghiệp và tâm lý người dân.

Căng thẳng trên thị trường bắt đầu xuất hiện từ quý 2, khi nhiều doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, không chịu bán lại cho ngân hàng dẫn đến mất cân đối cung – cầu. Tình trạng này kéo dài cho đến cuối năm. Bên cạnh đó, tín dụng ngoại tệ giảm rất mạnh trong nửa đầu năm (chủ yếu do doanh nghiệp ngại vay vì lo rủi ro tỷ giá, đến tháng 5 giảm tới 9,55% so với cuối năm 2008) lại tạo ra hiện tượng đối ngược là ứ đọng vốn ngoại tệ tại các ngân hàng. Từ đây, năm 2009 có tình huống ít thấy: tháng 6, 5 ngân hàng lớn “bắt tay” giảm lãi suất huy động USD, áp tối đa 1,5%/năm và áp lãi suất vay cao nhất chỉ 3%/năm để kích cầu.

Tình trạng doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ kéo dài, việc mua ngoại tệ khó khăn. Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nguồn thu ngoại tệ lớn bán lại cho ngân hàng để góp phần giải tỏa nguồn cung. Cùng với những điều chỉnh ngày 26/11 nói trên, chỉ đạo của Thủ tướng đã góp phần tạo ổn định hơn cho thị trường ngoại hối và tỷ giá trong tháng 12 này.

Một diễn biến nổi bật khác là trong phần lớn thời gian của năm, các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái niêm yết giá mua ngoại tệ ngang với giá bán. Giá USD của ngân hàng cũng chính thức vượt mốc 18.000 VND; trên thị trường tự do có thời điểm lên gần mốc 20.000 VND; tỷ giá bình quân liên ngân hàng cả năm dự kiến tăng 5,7%. Và đáng chú ý là dự trữ ngoại tệ từ 20,7 tỷ USD (tháng 6/2008) đã giảm mạnh còn khoảng 16,5 tỷ USD hiện nay.

3. Lãi suất huy động dồn ép

Sau năm 2008 biến động và leo thang chưa từng có trong lịch sử, năm 2009, lãi suất huy động và cho vay VND cùng ổn định, theo sự ổn định của lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, căng thẳng của lãi suất huy động bắt đầu bộc lộ từ giữa năm.

Từ tháng 7 đến tháng 11, các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động VND, tập trung từ các kỳ hạn dài và dồn ép các kỳ hạn ngắn. Mức lãi suất cao nhất lần lượt tạo các “đỉnh” 9%, 10% và đỉnh điểm lên đến 10,5%/năm. Khái niệm “đường cong lãi suất” bị xóa nhòa khi nhiều thành viên áp thống nhất một mức cao cho hầu hết các kỳ hạn.

Ngay sau quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% có hiệu lực từ 1/12, các ngân hàng thương mại đồng loạt đẩy lãi suất huy động lên mức cao, một số thành viên có tới 10,5%/năm (chưa tính các hình thức khuyến mại, cộng thưởng gián tiếp). Với diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước phát thông điệp kiểm tra toàn diện các trường hợp có lãi suất huy động từ 10,5%/năm trở lên, các thành viên đồng loạt áp tối đa ở mức 10,49%/năm.

Diễn biến lãi suất căng thẳng trong nửa cuối năm 2009 một phần phản ánh khó khăn thanh khoản của hệ thống. Điều này dẫn đến một hệ quả ít thấy là tỷ lệ lãi biên của các ngân hàng giảm rất mạnh; nếu trong năm 2008 chênh lệch lãi suất động và cho vay đạt khoảng 3,7%, thì năm 2009 chỉ xoay quanh 1% (đối với cho vay sản xuất kinh doanh).

4. Trọng tâm hỗ trợ lãi suất

Tháng 2, Chính phủ bắt đầu triển khai gói kích cầu, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất là một trọng tâm. Đây cũng là hoạt động nổi bật của các ngân hàng trong năm 2009.

Ngân hàng đón chính sách hỗ trợ lãi suất hồ hởi, nhưng triển khai thận trọng. Đây là chính sách chưa có trong tiền lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tiếp cận khách hàng và tăng trưởng tín dụng tốt hơn (lãi suất thấp, khả năng trả nợ của doanh nghiệp tốt hơn). Ngược lại, vì chưa có tiền lệ, có nhiều thủ tục và vướng mắc trên thực tế nên có sự thận trọng trong triển khai.

Trên diễn đàn Quốc hội Kỳ 6 Khóa 12, tác động và hiệu quả của chính sách hỗ trợ lãi suất được đánh giá cao; tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận sự hỗ trợ này. Ngoài ra, giả thiết vốn được hỗ trợ lãi suất chảy vào chứng khoán cũng là vấn đề được quan tâm trong dư luận.

Tính đến ngày 17/12, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt 415.216,48 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đạt 276.668,75 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 108.762,04 tỷ đồng; nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài đạt 21.222,83 tỷ đồng; công ty tài chính đạt 8.562,86 tỷ đồng.

5. Tăng trưởng tín dụng vượt định hướng

Từ cuối năm 2008, chính sách tiền tệ bắt đầu có sự chuyển hướng, từ thắt chặt sang dần nới lỏng. Cùng với chủ trương kích cầu và ngăn chặn suy giảm kinh tế, sự chuyển hướng trên là một yếu tố tạo điều kiện để tín dụng tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2009.

Tuy nhiên, so với các mốc định hướng mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến ở các thời điểm trong năm, tăng trưởng tín dụng thực tế đã vượt xa. Cụ thể, đầu năm, tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 21% - 23%; giữa năm là định hướng không quá 30%; còn theo dự tính cả năm con số này thực tế có thể lên tới trên 36%, tăng mạnh so với năm 2008 (21%) và ở mức cao trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.

Tăng trưởng tín dụng cao năm 2009 cũng là một cơ sở để Ngân hàng Nhà nước xem xét bắt đầu có hướng thắt chặt dần chính sách tiền tệ, cụ thể ở tín hiệu nâng lãi suất cơ bản, phòng ngừa lạm phát cao có thể trở lại trong năm 2010.

6. Lợi nhuận ngân hàng cải thiện

Năm 2008, ảnh hưởng của khủng hoảng, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhiều ngân hàng không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra từ đầu năm. Điều này khiến các thành viên thận trọng hơn trong việc xác định mục tiêu lợi nhuận năm 2009, cũng như từ bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn của nền kinh tế.

Đến tháng 11, nhiều thành viên thông báo đã hoàn thành và vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm, nhưng không đột biến. Nhìn chung, lợi nhuận các ngân hàng năm 2009 có cải thiện và ổn định trở lại so với năm khá đặc biệt 2008.

Có thể thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2009 chia thành hai nửa khá rõ rệt.

6 tháng đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh, xuất phát từ tăng trưởng tín dụng cao, nhiều thành viên có nguồn thu thuận lợi từ xuất khẩu vàng và đặc biệt là khoản hoàn nhập dự phòng trong đầu tư tài chính theo đà phục hồi mạnh của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nửa cuối năm, lợi nhuận nhiều thành viên bắt đầu giảm tốc do lãi suất huy động tăng cao, tỷ lệ lãi biên bị thu hẹp, tăng trưởng tín dụng chậm lại, khó khăn thanh khoản và thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong quý 4…

Trong cơ cấu lợi nhuận, điểm nổi bật là có sự chuyển dịch rõ và rộng hơn của nguồn thu từ dịch vụ, thay vì lệ thuộc nguồn thu từ tín dụng. Tại nhiều thành viên, đặc biệt là các ngân hàng lớn, tỷ trọng thu từ tín dụng đã giảm từ 80% xuống còn khoảng 70%, 60% trong cơ cấu. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ cũng đã có nhiều kế hoạch đầu tư mạnh cho phát triển công nghệ và dịch vụ trong năm 2009

7. Ngân hàng ngoại chính thức mở rộng ảnh hưởng

Theo cam kết gia nhập WTO, từ 1/4/2007, các ngân hàng nước ngoài được thành lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc tại Việt Nam. Nhưng phải đến năm 2009, điều này mới chính thức hiện thực, các ngân hàng ngoại bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng thực sự.

 

Tập trung cấp giấy phép từ cuối năm 2008, bước sang năm 2009, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu đón nhận những ngân hàng 100% vốn ngoại đầu tiên. Những thành viên mới này được hoạt động đẩy đủ hơn, cạnh tranh toàn diện hơn thay vì phụ thuộc vào các điều kiện kinh doanh hạn chế trước đó.

Trong năm 2009, 5 ngân hàng đầu tiên của khối này đã nhận giấy phép, thành lập và mở rộng hoạt động, gồm HSBC, Standard Chartered, ANZ, Shinhan và Hong Leong; trong đó, HSBC và ANZ đã nhanh chóng khai trương nhiều điểm giao dịch mới. Lợi thế của khối này và áp lực cạnh tranh đã được đề cập nhiều từ năm 2007 và nay đang dần hiện hữu.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, khối các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam hiện có 45 chi nhánh của 33 ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh với hơn 20 chi nhánh phụ thuộc, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 8 tổ chức tín dụng phi ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài; ngoài ra còn có 56 văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng khác.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nhóm thành viên này hiện đang hoạt động hiệu quả. Dự tính, năm 2009, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài đạt mức thu nhập trước thuế đạt 2.612 tỷ đồng, nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng 17,8% và 10,8%, tổng tài sản có tăng 14% so với cuối năm 2008; các ngân hàng liên doanh đạt thu nhập trước thuế 477 tỷ đồng, huy động vốn tăng 18,2%, dư nợ tín dụng tăng 34,3%, tổng tài sản có tăng 18,3% so với cuối năm 2008.


8. Sôi động niêm yết, cổ phần hóa đình trệ

Sau ACB và Sacombank, năm 2009 thị trường chứng khoán đón nhận loạt cổ phiếu ngân hàng tham gia niêm yết; gồm: VCB của Vietcombank, CTG của Vietinbank, EIB của Eximbank và SHB của SHB.

Với quy mô lớn, thanh khoản cao, sự tham gia của nhóm cổ phiếu này tạo thêm sôi động, cũng như tạo ảnh hưởng lớn trên thị trường. Nhưng ngoại trừ SHB, một điểm chung là giá cổ phiếu của nhóm này sau khi chào sàn đều đồng loạt giảm mạnh và hiện đều thấp hơn mức giá của ngày giao dịch đầu tiên. Có thể xem kết quả này là một phần phản ánh của thị trường đối với khó khăn trong hoạt động của các ngân hàng năm 2009.

Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đang xúc tiến kế hoạch niêm yết, như MB, SCB, OCB, DaiABank, Western Bank…; dự kiến sẽ lần lượt chào sàn vào đầu năm 2010.

Ngược lại, kế hoạch cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn tiếp tục đình trệ trong năm 2009. Hiện có 3 ngân hàng quốc doanh chưa cổ phần hóa là Agribank, BIDV và MHB; trong đó, từ năm 2007 BIDV và MHB đã lần lượt lên kế hoạch chuẩn bị cổ phần hóa, tìm và xác định chọn tổ chức tư vấn quốc tế…, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

9. “Nóng” vai trò lãi suất cơ bản

Năm 2009, trọng tâm công tác xây dựng luật trong hoạt động ngân hàng là việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng. Một lần nữa, vai trò của lãi suất cơ bản lại thu hút sự chú ý của dư luận, khi không được đề cập đến trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi.

Trước đó, từ năm 2006, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần kiến nghị Quốc hội bỏ, sửa đổi quy định về lãi suất cơ bản nhưng không được chấp thuận. Và tại diễn đàn Quốc hội Kỳ 6 Khóa 12 vừa qua, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu.

Hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo luật sửa đổi. Còn trên thực tế, trong năm 2009, lãi suất này và những điều chỉnh liên quan đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo những ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhưng lại khá tách biệt trong cơ chế cho vay lãi suất thỏa thuận.

Cụ thể, sau hơn nửa năm thắt chặt (sau ngày 19/5/2008) do tuân thủ quy định lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản, tín dụng tiêu dùng chính thức được mở lại theo cơ chế lãi suất thỏa thuận từ 1/2/2009 (theo Thông tư số 01/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước)

10. Một năm xuất hiện nhiều tin đồn

Năm 2009, thị trường tiền tệ xuất hiện nhiều tin đồn liên quan đến việc điều chỉnh chính sách, gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, xáo trộn trên thị trường vàng, chứng khoán và ngoại tệ. Đó là tin đồn về phát hành tín phiếu bắt buộc, nới biên độ tỷ giá, tăng lãi suất cơ bản, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, “bơm” mạnh vốn cho các ngân hàng thương mại… Điểm đáng chú ý là các tin đồn tập trung ở thời điểm cuối năm, sau khi Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh khá bất ngờ về lãi suất cơ bản.

Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng khá nhanh trước những tin đồn này, nhưng hiện vẫn chưa có một trường hợp nào liên quan bị xử lý và công bố.

Theo Vneconomy



Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,387.304,952.30
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,476.504,056.50
100g ABC Bullion Bar
14,299.2012,999.20
1kg ABC Bullion Silver
1,699.101,349.10
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 99
  • Truy cập hôm nay: 546
  • Lượt truy cập: 7765076