Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Ngân hàng Trung ương các nước đang “chê” USD?
2009-11-09 14:25:08

Xu thế này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới bởi lo ngại về sự ổn định của đồng USD.

Thâm hụt ngân sách Mỹ tăng cao, sự đi lên của nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc cho thấy đồng USD, sau khi giảm giá 20% từ năm 2002, sẽ tiếp tục trượt giá.

Tất nhiên, đồng USD hiện nay chiếm 2/3 trong dự trữ tiền tệ thế giới và sẽ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phần lớn dự trữ tiền tệ của các quốc gia, bất kỳ nỗ lực nào dìm đồng USD sẽ khiến giá trị danh mục đầu tư của các Ngân hàng Trung ương giảm.

Thế nhưng với tốc độ tích lũy tăng cao sau khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách kinh tế có thể chọn trữ thêm đồng euro và đồng yên mà không phải bán số tài sản USD đang nắm giữ.

Ông Neil Mellor, chuyên gia chiến lược tại BNY Mellon, nhận xét: “Tôi nghĩ năm 2009 sẽ là một năm đáng nhớ như thời khắc quan trọng đối với các loại tiền tệ. Tôi không nghĩ sẽ có một thay đổi lớn, thế nhưng rõ ràng đang có một kế hoạch chuyển dự trữ tiền tệ sang một danh mục cân bằng hơn.”

Nghiên cứu từ Barclays Capital cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 7/2009, các Ngân hàng Trung ương dành 63% tiền để thâu tóm các loại tiền khác ngoài đồng USD.

Ông Steven Englander, trưởng bộ phận chiến lược tại Barclays, cho rằng: “Rõ ràng bắt đầu xuất hiện mong muốn giảm lượng USD trong các dự trữ, các Ngân hàng Trung ương sẽ dùng mọi cách để làm điều này miễn là không đến mức loại bỏ hẳn đồng USD.”

Dữ liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế cho thấy tỷ lệ của USD trong dự trữ tiền tệ của thế giới đã liên tục giảm từ mức 72% vào năm 1999 – năm đồng euro chính thức được đưa vào lưu hành. Tính đến quý 2/2009, USD chiếm 62,8% trong dự trữ tiền tệ.

Như vậy, một phần trong sự chuyển dịch đó chính là việc dự trữ USD giảm trong suốt thời kỳ trên.

Số liệu từ Barclays, số liệu loại bỏ đi ảnh hưởng định giá, cho thấy quý 2 là quý duy nhất trong đó các Ngân hàng Trung ương tăng dự trữ thêm 100 tỷ USD và chưa đầy 40% số tiền đó được rót vào USD, con số này năm 2006 là 70%.

IMF công bố dự trữ nhìn chung tăng 4,8% lên 6,8 nghìn tỷ USD trong quý 2/2009, lần tăng đầu tiên trong 1 năm.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế cho đến nay đều nhận định đồng USD sẽ đóng vai trò lớn trong tài chính toàn cầu trong nhiều năm tới. Thế nhưng suốt thập kỷ qua, đồng USD đã liên tục hạ giá đối với các loại tiền thuộc giỏ tiền tệ, đây là một thông tin không mấy tốt lành đối với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và nhiều nước chủ nợ khác của Mỹ hiện đang nắm số trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Những nỗi lo lắng về thâm hụt ngân sách, việc chính phủ Mỹ vay nợ hàng trăm tỷ USD để kích thích nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính đã khiến nhu cầu của nước ngoài đối với tài sản Mỹ giảm đi, đồng USD sẽ có thể tiếp tục suy yếu.

Ông Barry Eichengreen, chuyên gia kinh tế tại đại học University of California at Berkeley, nhận xét: “Trong ngắn hạn, đồng tiền hưởng lợi là đồng euro và chỉ đồng tiền này có đủ khả năng thanh khoản cần thiết. Thế nhưng tại sao chúng ta không nghĩ đến một thời kỳ hệ thống dự trữ tiền tệ của thế giới bao gồm rất nhiều loại tiền khác nhau?”

Số liệu từ IMF cho thấy dự trữ bằng đồng euro tăng lên mức 27,5% trong quý 2/2009, cao hơn so với mức 18% vào cuối năm 2000. Các chuyên gia phân tích cho rằng mức này có thể lên 30% trong những năm tới.

Dự trữ của đồng yên và đồng bảng Anh nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá, đồng tiền của những nước xuất khẩu hàng hóa như Úc sẽ tiếp tục được mua nhiều hơn, đặc biệt bởi những nước mới nổi đang cần năng lượng như Trung Quốc, nước nắm dự trữ tới 2,3 nghìn tỷ USD.

Ngân hàng Barclays thông báo dự trữ của bốn đồng tiền lớn trên thế giới bao gồm đồng USD, euro, yên và bảng Anh tăng hơn 10% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 7/2009.

Trung Quốc không công bố chi tiết về dự trữ tiền tệ tuy nhiên nhiều khả năng 70% lượng dự trữ là đồng USD.

Nga, nước có dự trữ tiền tệ lớn thứ 3 trên thế giới – tổng số 419 tỷ USD, cho biết 47% dự trữ là đồng USD và 40% đồng euro thế nhưng cho biết muốn mua thêm một số loại tiền tệ khác.

Ngân hàng Trung ương cũng đang tăng dự trữ vàng, chuyên gia kinh tế Jay Bryson thuộc ngân hàng Wells Fargo cho rằng đây có thể coi như một nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao.

Đài Loan, lãnh thổ có dự trữ tiền tệ lớn thứ 4 trên thế giới, cho biết đang cân nhắc mua thêm vàng trong khi đó vào tháng 4/2009, Trung Quốc cho biết từ năm 2003 đã tăng dự trữ vàng thêm 75%. Tuần này, Ấn Độ mua thêm 200 tấn vàng từ Quỹ tiền tệ Quốc tế với giá 6,7 tỷ USD.

Ngân hàng Trung ương trên thực tế cũng gặp phải một số hạn chế khi họ muốn đa dạng hóa dự trữ tiền tệ. Phần lớn các loại tiền tệ không đủ khả năng chịu đựng những biến chuyển bất ngờ của dòng vốn.

Việc chuyển từ đồng USD sang euro cũng đặt ra câu hỏi lớn: Nhà đầu tư nên mua nợ nước nào? Không thị trường trái phiếu nào của châu Âu có quy mô như thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, trái phiếu với mức lợi tức cao nhất thường đến từ nước có nền kinh tế yếu nhất.

Dù kinh tế Trung Quốc một ngày nào đó có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng nhân dân tệ sẽ chưa thể là ứng cử viên sáng giá cho vai trò đồng tiền dự trữ thế giới cho tới khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát và cho phép người nước ngoài đầu tư.

Ông Anne Krueger, cựu phó giám đốc tại Quỹ tiền tệ quốc tế, cho rằng việc đồng nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ chỉ đến sau nhiều thập kỷ chứ không phải nhiều năm tới.

Ngọc Diệp (theo Reuters)

Nguồn: cafef.vn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,346.804,926.80
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,442.904,042.90
100g ABC Bullion Bar
14,201.1012,901.10
1kg ABC Bullion Silver
1,704.501,354.50
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 459
  • Truy cập hôm nay: 132
  • Lượt truy cập: 7750034