Tự do hoá lãi suất từng bước
2010-03-06 11:00:11
Ngày 26/2 NHNN đã ban hành Thông tư 07/2010/TT-NHNN cho phép các NHTM được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn.
Điều đó có nghĩa là NHTM có thể thỏa thuận với khách hàng để cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất trần cho các khoản vay trung dài hạn. Có thể nói lãi suất đang được tự do hoá từng bước. Khi bị khống chế bởi lãi suất trần, các NHTM luôn tìm mọi cách để vượt trần lãi suất bằng rất nhiều cách khác nhau như đề ra các khoản phí (phí dàn xếp khoản vay, phí quản lý, phí thẩm định, phí tư vấn,...) để thu từ khách hàng. Trần lãi suất còn cần? Trong điều kiện thị trường có nhiều rủi ro hơn (tính bất định cao hơn,...) và khi NHTM đã thực hiện cắt giảm hết mức các chi phí có thể cắt giảm được thì yêu cầu về tăng lãi suất là hoàn toàn phù hợp vì đó là sự chia sẻ chi phí giữa những "người tham gia cuộc chơi". Các chuyên gia cho rằng, những trường hợp khác mà NHTM tìm mọi cách tăng lãi suất hay tăng phí để tận thu từ khách hàng hay nền kinh tế đều coi là không tốt cho nền kinh tế và có thể coi là trục lợi. Nhất là trong các trường hợp NHTM ở vào vị thế độc quyền; hoặc những NHTM (hoặc đối tượng khác tương tự NHTM) do chi tiêu quá mức mà lại tìm mọi cách tăng lãi suất huy động, hoặc tăng lãi suất cho vay quá đáng (vượt xa mặt bằng lãi suất thị trường) thì đó lại là vấn đề đáng quan ngại. Thậm chí khi NHTM huy động với lãi suất cao đó lại là hành vi trục lợi nguy hiểm như mô hình xây tháp ngược (Pyramid scheme), hay đó là tình trạng NHTM quá căng thẳng về thanh khoản mà phải huy động bằng mọi giá... Khi thị trường tài chính còn ở mức kém phát triển, thì người gửi tiền vẫn chạy theo lãi suất là điều bình thường. Người ta vẫn rút tiền ở nơi thấp để gửi vào NHTM có lãi suất cao và không ngờ đó là cái "bẫy lãi cao". Thực tế năm 2008 ở VN cho thấy hiện tượng này đã diễn ra đối với thị trường ngân hàng VN và đã tạo nên cuộc đua lãi suất rất đáng quan ngại. Như vậy, các hình thức hạn chế (như lãi suất trần) sẽ là cần thiết khi thị trường chưa phát triển có chiều sâu (mức độ cạnh tranh thấp, khả năng quản lý rủi ro hạn chế,...) và khả năng giám sát khu vực ngân hàng của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều trở ngại. Thực tế ở VN thời gian qua cũng cho thấy việc áp dụng lãi suất trần và cứng nhắc quá lâu đã làm cho lãi suất thị trường tiền tệ rơi vào tình trạng mất cân bằng mà biểu hiện của nó là DN khó vay được vốn từ ngân hàng với lãi suất như quy định mà phải trả thêm các khoản phụ phí khó giải thích. Và NHTM cũng khó huy động được vốn. Một số chuyên gia hàm ý rằng, việc duy trì lãi suất theo cơ chế quản lý quá mức sẽ làm mất một số chức năng của lãi suất là tín hiệu của thị trường tiền tệ... làm hỏng hệ thống báo cáo tài chính của các DN (vì các DN không biết hạch toán các khoản phụ phí vô lý phải chi vào đâu...). Lợi ích từ chính sách Việc ngày 26/2/2010, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2010/TT-NHNN cho phép các NHTM được thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung dài hạn, có thể đánh giá như sau: Về hiệu quả chính sách, chắc chắn các NHTM có thể cho vay trên cơ sở bù đắp được rủi ro dự tính của thị trường và rủi ro ở mỗi dự án, cân đối để có lãi (chênh lệch lãi suất đầu ra/đầu vào). Khi cho vay được, NHTM sẽ tăng cường huy động... và DN sẽ an tâm đầu tư vào sản suất kinh doanh (vì đây là các khoản vay trung và dài hạn)... Thị trường sẽ vận hành trôi chảy và lãi suất thị trường sẽ cân bằng. Nếu cơ quan quản lý kiên trì mục tiêu này thì rất có thể sẽ thay đổi được cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn hiện nay - vấn đề cốt lõi và căn bệnh cố hữu đã lâu ở các NHTM. Hơn thế nữa, qua đó mới đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững. Theo cách thức nới rộng quản lý này, lãi suất các khoản trung và dài hạn (kể cả huy động và cho vay) sẽ cao hơn lãi suất ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu vốn và mức độ rủi ro. Thực tế cho thấy, các NHTM hiện nay đang ở vào tình trạng mất cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn: 80% là vốn ngắn hạn, trong khi 60% là cho vay trung và dài hạn. Người ta có thể hỏi rằng, còn lãi suất ngắn hạn thì sao ? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên tiếp tục khống chế trần lãi suất ngắn hạn (nhất là lãi suất huy động và lãi suất tiền gửi ngoại tệ) ở mức thấp để từ đó khuyến khích dân chúng gửi tiền ở các kỳ hạn trung và dài hạn. Chính sách cho các NHTM Quan sát thị trường cho thấy, thời gian qua có rất nhiều NHTM rất lười cho các DN vay (cho vay nền kinh tế) mà họ chỉ cho vay lại để kiểm lời. Có giám đốc NHTM nói: "Tôi không cần cho DN vay, mệt lắm vì tôi có nguồn từ kho bạc nhà nước rồi. Tôi chỉ luộc lại các NHTM CP nhỏ". Trong khi các NHTM CP, do cơ chế thoáng nên họ đầu tư rất mạnh vào các khoản trung và dài hạn (nhất là bất động sản và chứng khoán,...). Về chính sách đối với các NHTM, trong điều kiện hiện nay, người ta cũng cho rằng, Nhà nước cần hạn chế các NHTM đầu cơ mạo hiểm (cho vay mua nhà, mua chứng khoán hoặc đầu tư bất động sản, đầu tư cổ phiếu...); hoặc hạn chế cho vay bán buôn quá nhiều; hoặc hạn chế hơn nữa việc vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay nền kinh tế... Cụ thể, người ta cũng cho rằng, Nhà nước không nên cho các NHTM mua quá nhiều bất động sản để làm trụ sở như hiện nay mà chỉ nên cho phép NHTM có không quá hai địa điểm đất đai để làm trụ sở chính (tại Hà Nội và Tp HCM). Các khoản cho vay lẫn nhau giữa các NHTM hoặc cho vay/đầu tư phi sản xuất thì Nhà nước không cấm nhưng đánh thuế thật cao, hoặc yêu cầu về dự phòng rủi ro thật cao... Có như vậy sẽ hướng dòng vốn vào khu vực sản xuất vật chất (khu vực DN sản xuất). Tự do hoá theo cách nào ? Việc hướng lãi suất tới cơ chế thị trường rõ ràng là định hướng phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế của VN. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, việc tự do hoá tài chính (trong đó có lãi suất) từng bước, tuần tự đi đôi với quản lý phù hợp rõ ràng là cách đi phù hợp với VN. Khi nguyên tắc đó được thực hiện, các mục tiêu chính sách có thể đạt được tốt nhất mà không gây nên những hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế và DN. Khi DN vay được vốn ngân hàng với mức lãi suất hợp lý thì ngân hàng mới có lãi bền vững, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế ổn định. |
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp |
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,405.70 | 4,970.70 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,491.70 | 4,071.70 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,348.20 | 13,048.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,724.90 | 1,374.90 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh songphucgold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 157
- Truy cập hôm nay: 1235
- Lượt truy cập: 7783049