Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Vốn ngân hàng: Chỗ xài không hết, nơi tìm không ra
2010-07-26 14:00:07

Vốn ngân hàng: Chỗ xài không hết, nơi tìm không ra
Ngân hàng (NH) lớn thừa vốn trong khi NH nhỏ không tìm được nguồn vốn rẻ để cho vay, còn cả hệ thống NH đang đánh vật với bài toán giảm lãi suất cho vay.
 

Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng này là do NH Nhà nước giới hạn việc vay vốn lẫn nhau giữa các NH khiến thị trường liên NH mất đi vai trò điều tiết cung cầu vốn.

Ngân hàng nhỏ lo thiếu vốn

Ông Trần Sơn Nam, tổng giám đốc NH Đại Tín (TrustBank), cho biết đầu tháng 7 khi NH giảm lãi suất xuống dưới 11%/năm chỉ trong một tuần vốn huy động đã giảm gần 20 tỉ đồng. Vì vậy, NH phải nâng lãi suất lên theo mức lãi suất 11,2%/năm như thỏa thuận mà Hiệp hội NH đưa ra nhằm giữ chân khách gửi tiền.

Trong khi đó, sau khi giảm lãi suất huy động xuống 11,2%/năm theo thỏa thuận với Hiệp hội NH, các NH đã phải tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn để thu hút người gửi tiền, dẫn đến gửi kỳ hạn ngắn hay dài có cùng một mức lãi suất, xoay quanh 11-11,2%/năm.

Tổng giám đốc NH Kiên Long Trương Hoàng Lương cũng cho biết dù đã cố gắng nhưng lượng vốn huy động khó tăng do không thể cạnh tranh với các NH lớn. Cùng mức lãi suất như nhau, người gửi tiền có xu hướng chọn NH lớn, tên tuổi, có mạng lưới rộng.

Vì vậy, các NH cho biết trước đây giữa NH lớn và NH nhỏ đã điều tiết vốn lẫn nhau thông qua thị trường liên NH. Theo đó, NH nhỏ sẽ vay từ NH lớn để cho vay lại. Tuy nhiên, dòng vốn này đã bị nghẹn lại sau khi NH Nhà nước đưa ra quy định chỉ cho phép NH được sử dụng không quá 20% vốn trên thị trường liên NH làm vốn tín dụng. Do vậy, các NH nhỏ phải tự bơi để có vốn và cách duy nhất là giữ lãi suất huy động ở mức cao.

Ngân hàng lớn lo thừa vốn

Ngược lại với các NH nhỏ, nhiều NH lớn đang đau đầu để tìm hướng sử dụng vốn hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Sẽ, giám đốc Sở giao dịch II NH Công thương VN (VietinBank), cho biết do lãi suất còn cao nên doanh nghiệp ít vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cổ phần sau đại hội cổ đông đã tăng vốn điều lệ nên cũng tìm cách trả bớt nợ vay. Vì vậy, NH có vốn nhưng lại thấp thỏm lo sụt giảm dư nợ.

Ông Phạm Huy Hùng, tổng giám đốc Vietinbank, cũng cho biết “thúc” nhân viên ráo riết tìm khách hàng để tìm cách tăng dư nợ vì vốn nằm kho ngày nào là thiệt ngày đó. Ông Hùng cho biết có thời điểm phải họp liên tục để tìm các giải pháp đẩy mạnh cho vay. Đặc biệt tại địa bàn TP.HCM, ông yêu cầu nhân viên phải tích cực tìm kiếm khách hàng, không chê món vay nhỏ. Gần đây khi NH triển khai chương trình dành 60.000 tỉ đồng cho vay xuất khẩu lãi suất 11%/năm và nông nghiệp, nông thôn với lãi suất 12%/năm, số hồ sơ vay vốn đã tăng lên.

Một lãnh đạo NH cổ phần có thế mạnh về nguồn vốn chuyên cho vay trên thị trường liên NH cho biết gần đây việc cho vay đối với NH bạn đã giảm hẳn so với năm ngoái, vì vậy NH này phải dùng vốn dư thừa để mua trái phiếu chính phủ, thay vì để vốn nằm kho. Về tình trạng này, các chuyên gia NH cho rằng đó cũng là một nghịch lý: NH không có vốn rẻ để cho vay nhưng lại có tiền đi mua trái phiếu chính phủ.

Tổng giám đốc một NH lớn cho biết trước đây khi dư vốn có thể cho NH nhỏ vay lại, nhờ vậy các NH này không còn phải đẩy lãi suất lên để huy động của dân. Còn hiện nay với quy định mới, NH nhỏ chỉ được vay có giới hạn từ NH bạn nên dù lãi suất có rẻ, vốn có thừa, các NH cũng chỉ nhìn nhau mà thôi. Vì vậy, nhiều NH đã mạnh tay giảm lãi suất đối với vốn do NH khác gửi, đồng thời chỉ nhận gửi tuần thay vì gửi tháng như trước.

Theo giải thích của ông này, lúc này các NH đang chạy đua để thực hiện các chỉ tiêu an toàn vốn của NH Nhà nước nên đều phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư thay vì từ NH bạn. Từ đó dẫn đến vốn trên thị trường liên NH dư thừa.

Phải linh hoạt

Nhiều chuyên gia NH cũng đề nghị không thể quá trông cậy vào sự đồng thuận của các NH để giảm lãi suất. Vì trên thực tế, dù bên ngoài đồng thuận nhưng “trong bụng” nhiều NH vẫn không vui khi buộc phải giảm lãi suất. Ngay các NH lớn cũng không muốn đi đầu trong việc giảm lãi suất huy động.

Như vừa qua dù Hiệp hội NH đồng thuận, theo đó NH lớn giảm lãi suất huy động còn 11%/năm, NH nhỏ gặp khó khăn về nguồn vốn có thể huy động lãi suất 11,2%/năm. Thế nhưng, một số NH lớn vẫn áp dụng luôn lãi suất huy động 11,2%/năm mà đúng ra chỉ áp dụng cho NH nhỏ.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh đồng thuận giảm lãi suất, cần phải đặt nặng giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên thị trường liên NH. Theo ông Lê Đức Thúy, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu có chính sách thích hợp vẫn có thể giảm lãi suất nhiều hơn so với mức hiện nay.

Ông Thúy cho rằng NH Nhà nước không nên thắt chặt tiền tệ quá mức cần thiết mà nên linh hoạt, mềm dẻo hơn. Tín dụng tăng nóng gắn liền với hệ số an toàn vốn, tức cho vay bao nhiêu so với vốn tự có. Chính hệ số an toàn vốn này mới quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng của mỗi NH. Quản lý theo hướng này các NH không thể tăng trưởng nóng mà vẫn giữ được vai trò điều tiết vốn của thị trường liên NH.

Hiện đây là giai đoạn thuận lợi mà NH Nhà nước có thể nới lỏng cung ứng tiền để thúc đẩy giảm lãi suất. Về hạn mức vay của NH bạn không quá 20%, ông Thúy cũng đề nghị nên sớm giải quyết tình trạng “ngăn sông cấm chợ” trên thị trường tiền tệ

Theo A.Hồng - T.Sơn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,558.605,058.60
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,620.104,120.10
100g ABC Bullion Bar
14,759.2013,259.20
1kg ABC Bullion Silver
1,770.901,370.90
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 122
  • Truy cập hôm nay: 1903
  • Lượt truy cập: 7792310