Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Giảm lãi suất: Ai cần đi trước?
2010-10-25 08:55:39

Mục tiêu giảm lãi suất để đưa vốn vào sản xuất, vào DN là một chủ trương đã được Chính phủ đề ra từ lâu. NHNN cũng đã có nhiều nỗ lực bơm tiền qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản. Hiệp hội Ngân hàng VN cũng đã có nhiều kêu gọi các thành viên đồng lòng giảm lãi suất... Tuy nhiên lãi suất trên thị trường vẫn cao so với điều DN mong mỏi...

Tại VN, khảo sát gần đây của VbiST II/2010, qua 374 trả lời của DN cho thấy, lãi suất ngân hàng đã gần chạm ngưỡng chịu đựng của DN. Theo khảo sát này, mặc dù tổng quan tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN trong quý 2/2010 tốt hơn hẳn so với quý trước, nhưng các DN đã chỉ ra những vấn đề bất hợp lý cần khắc phục, đặc biệt là vấn đề lãi suất vốn vay. Trong số các DN khảo sát ở quý 2/2010, 65% DN hiện phải vay ở mức lãi suất ngắn hạn là 12-13% trở lên và chỉ có 6% DN cho rằng mức lãi vay là hợp lý.

Khảo sát cũng cho thấy có 36% DN cho biết họ không thể chịu đựng được lãi suất này lâu dài, mức lãi suất ngắn hạn phải giảm dưới 12%/năm thì DN mới có thể yên tâm đầu tư. Để tồn tại, vượt qua khó khăn, nhiều DN đang phải dùng các nguồn lực khác để chi trả và sẽ ảnh hưởng không tốt tới các hoạt động hoặc kế hoạch đầu tư khác của họ.

“Ông lớn” phải làm gương

Hiện tại trong hệ thống ngân hàng VN có khoảng 4 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn: NHTM CP Ngoại thương VN (VCB), NHTMC Công thương VN (CTG), NH Đầu tư và phát triển VN (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông VN (AGB)... Người ta thường gọi đây là các "ông lớn" theo một cách thức nào đó. Các ngân hàng này nắm giữ gần 50% tổng tài sản của cả hệ thống và khoảng 40% vốn tự có. Thị trường huy động và cho vay chiếm tỷ phần chi phối gần 60% (theo ước tính vào giữa năm 2010).

Sự to lớn như vậy cho thấy các "ông lớn" này có vai trò quyết định đến thị trường. Về mặt quản lý kinh tế, việc hạ lãi suất cho vay của các NHTM lớn vừa thể hiện khả năng quản trị tốt của ngân hàng (nhất là quản lý chi phí, cắt giảm các chi phí nội bộ không cần thiết) và cũng thể hiện cách ứng xử đẹp của ngân hàng theo nghĩa ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với DN, không đẩy toàn bộ chi phí vào lãi suất và khách hàng là người vay phải chịu. Theo kinh nghiệm và về mặt lý thuyết thì các ngân hàng lớn (tập đoàn) mới là ngân hàng có khả năng kinh tế để giảm nhanh nhất lãi suất đầu ra trong khi không cần giảm lãi suất đầu vào quá nhanh.

Theo cách tiếp cận đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức chênh lệch lãi suất thấp thể hiện ngân hàng đó mang lại lợi ích xã hội lớn, những ngân hàng có mức chênh lệch lãi suất cho vay và huy động lớn phản ánh hiệu quả xã hội kém và người ta còn nói đó là ngân hàng có cách ứng xử kém (bad behavior) vì ngân hàng đó huy động lãi suất quá thấp nhưng lại cho vay với lãi suất quá cao.

Theo báo cáo về thị trường tài chính VN của nhóm đề tài cấp nhà nước mã số KX01.08/06-10 do Viện quản lý kinh tế trung ương chủ trì cho thấy, chênh lệch lãi suất bình quân (tổng lãi trên tổng tài sản sinh lời trừ đi tổng chi phí trả lãi trên tổng nguồn vốn phải trả lãi) của nhóm NHTM lớn ở VN trong mấy năm trước đây phổ biến 3,05% (có ngân hàng lên tới 4%) trong khi các ngân hàng nhỏ chỉ chiếm dưới 2,8%.

Người ta cũng kỳ vọng, các đại gia lớn này cắt giảm chi phí quản lý để từ đó giảm lãi suất cho vay. Theo quan điểm chuyên gia kinh tế, bây giờ là thời điểm các NHTM lớn phải thể hiện mình là các tập đoàn lớn, và là hợp lý (về mặt quản lý và kinh tế) nếu các NHTM lớn đi đầu trong giảm lãi suất cho vay (chứ không đợi giảm lãi suất huy động).

Dân... tiên phong

Ngày 1/10, Hiệp hội Ngân hàng VN (VNBA) đã phát đi đề nghị các tổ chức hội viên giảm lãi suất huy động từ 11,2% xuống không quá 11%. Điều đó có nghĩa là việc giảm lãi suất đã đạt được sự đồng thuận cao và các ngân hàng sẽ chủ động đi trước. Tuy nhiên, nếu để ý thì thấy, giảm lãi suất, dân chúng mới là người đi tiên phong.

Theo kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng VN, hiện có một số ngân hàng đã theo đúng lộ trình. ACB là ngân hàng đầu tiên công bố hạ lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 15/10: trong biểu lãi mới, mức lãi suất huy động VND cao nhất của ACB là 11%/năm áp dụng cho kì hạn 36 tháng, 13 tháng và 24 tháng. Các kỳ hạn từ tuần cho đến 24 tháng (lĩnh lãi theo quý) có lãi suất từ 9,9 - 10,88%/năm. EximBank cũng áp từ 15/10/2010, mức lãi suất huy động cao nhất là 10,95%/năm cho các kì hạn từ 4 tháng đến 12 tháng (trả lãi cuối kỳ)...

Hiện tại, theo biểu lãi suất huy động VND của nhiều ngân hàng, cho thấy lần đầu tiên các NHTM CP chủ động đi trước trong việc hạ lãi suất (và công bố trước), thay vì các ngân hàng quốc doanh (hoặc nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối), mức cao nhất mà các NHTM CP công bố là 11%/năm thấp nhất là 10,05%/năm.

Để ý cho thấy, các NHTM đã hưởng ứng việc giảm lãi suất và các NHTMCP (thường là ngân hàng nhỏ, Nhà nước nắm giữ cổ phần ở mức thấp, hoặc 100% vốn cổ phần) đi trước và điều đáng chú ý là giảm lãi suất huy động trước, giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trước.

Lập luận cho ứng xử này, người ta cho rằng, về mặt kinh tế, ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào trước thì mới có cơ sở giảm lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay) và phải sau một kỳ hạn nữa (như 1 tháng, 3 tháng chẳng hạn) thì ngân hàng mới giảm lãi suất cho vay.

Theo chức năng, NHNN VN và Bộ Tài chính đều là hai cơ quan của Chính phủ, có chức năng khá quan trọng quyết định đến lãi suất thị trường tiền tệ. Việc chính sách nào đi trước là khá quan trọng trong việc đưa chính sách đến thành công.

Theo lý thuyết, nếu NHNN bơm tiền ra qua thị trường mở với lãi suất thấp thì tăng thanh khoản cho các ngân hàng và qua đó giảm lãi suất. Mặt khác, Bộ Tài chính lại điều hành việc vay nợ của Chính phủ và qua đó quyết định đến lãi suất trái phiếu chính phủ và đến lượt nó lãi suất trái phiếu (kể cả tín phiếu) chính phủ lại là lãi suất tham chiếu cho thị trường tiền tệ. Trong thực tế cho thấy, lãi suất thị trường tiền tệ (thương mại) không thể tách rời lãi suất trái phiếu chính phủ.

Việc NHNN đi trước cũng không phải là cách để giảm được thực sự lãi suất xuống thấp.

Thời gian qua, NHNN đã có khá nhiều nỗ lực bơm tiền qua thị trường mở và sử dụng một vài giải pháp hành chính để hướng tới mục tiêu giảm lãi suất, nhưng lãi suất vẫn cao và khó giảm.

Quan sát trên thị trường và nhìn vào chính sách tài khóa cho thấy, mặc dù lãi suất trái phiếu chính phủ từ đầu năm đến nay chưa bao giờ cao hơn lãi suất cho vay của các NHTM. Lãi suất trái phiếu cao nhất là ở mức 11,3%/năm cho kỳ hạn 10 năm (đợt phát hành ngày 3/6/2010); còn lãi suất kỳ hạn ba năm cao nhất cũng chỉ 10,95%/năm. Từ cuối tháng 7/2010, lãi suất trái phiếu ba năm chỉ còn 9,8%/năm và sau đó dao động trong khoảng 10%/năm.

So sánh cho thấy, lãi suất trái phiếu là thấp hơn lãi suất huy động của các NHTM và nếu ngân hàng lấy vốn huy động để mua trái phiếu là lỗ. Theo quan sát cho thấy, các ngân hàng vẫn mua trái phiếu chính phủ, vì sau đó họ đem trái phiếu lên giao dịch trên thị trường mở, nơi NHNN cho vay tiền đồng với lãi suất chỉ có 7,5 - 8%/năm, và như vậy NHTM có lời 2 - 3%/năm. Các NHTM thực hiện cách kinh doanh tiền tệ này vừa an toàn, vừa có lợi lại không tốn công sức thẩm định khách hàng như cho vay nền kinh tế.

Tóm lại, việc NHNN đi trước cũng không phải là một cách thức để giảm lãi suất xuống thấp thực sự. Với mức lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay và tình hình cân đối ngân sách nhà nước (bao gồm thâm hụt và tình hình vay nợ...), rõ ràng Bộ Tài chính phải đi trước trong việc có chính sách giảm lãi suất trái phiếu chính phủ bền vững đi kèm với giải pháp đảm bảo tài chính quốc gia vững mạnh.

Theo Ths Lê Văn Hinh

Diễn đàn doanh nghiệp





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,558.605,058.60
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,620.104,120.10
100g ABC Bullion Bar
14,759.2013,259.20
1kg ABC Bullion Silver
1,770.901,370.90
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 273
  • Truy cập hôm nay: 5566
  • Lượt truy cập: 7795973