Năm 2010 xảy ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Bài viết này đề cập đến những bất cập trong điều hành về lãi suất, tỷ giá và việc tăng vốn điều lệ, ngõ hầu góp phần tìm ra cách thức điều hành tiền tệ thích hợp hơn trong năm 2010.
Lãi suất giả tạo
Một năm bất ổn về lãi suất với mức độ biến động khôn lường.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thay đổi lãi suất cơ bản 1 lần (tăng từ 7% lên 8% vào tháng 1/2009 và lên 9% kể từ ngày 5/11/2010) nhưng ngân hàng thương mại thì thay đổi chóng mặt.
Ví dụ tại BAOVIET Bank, chỉ tính riêng một loại lãi suất cho vay đối với cá nhân, đã thay đổi tới 9 lần và một loại lãi suất tiết kiệm thông thường bằng đồng Việt Nam đã thay đổi tới 13 lần trong năm, chưa kể các lần cộng thêm lãi suất và tặng quà khuyến mại.
Từ tất thảy ngân hàng cho đến người gửi, người vay tiền đều luôn luôn “nhấp nhổm” lo lắng với lãi suất không ngừng tăng lên và liên tục căng thẳng.
Tại hai phiên họp hồi tháng 3 và 4/2010, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN hạ lãi suất huy động xuống còn không quá 10%, lãi suất cho vay xuống còn không quá 12%/năm. NHNN và Hiệp hội Ngân hàng cũng đã nhiều lần yêu cầu và kêu gọi các ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất huy động. Đầu tiên là đồng thuận hạ xuống 10,5%, rồi nới lên 11, 12 và 15%/năm. Nhưng trên thực tế, chưa ngày nào “đồng lòng” thực hiện được điều này.
Đặc biệt, ngày 11/12/2010 vừa qua, các ngân hàng đồng loạt chấp nhận hạ lãi suất huy động từ 16 - 17% xuống không quá 15%/năm, kể cả khuyến mại theo cam kết với NHNN và Hiệp hội Ngân hàng trong các cuộc họp ngày 9 và 10/12.
Nhưng chỉ 3 ngày sau, NHNN lại có Công văn số 9779/NHNN-CSTT ấn định lãi suất tối đa 14%, bao gồm cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức. Như vậy, NHNN đã sử dụng quyền khống chế lãi suất được quy định trong Luật NHNN Việt Nam năm 2010, trong khi Luật này chưa có hiệu lực.
Liên tục xuất hiện các nghịch lý về lãi suất trong suốt cả năm: Lãi suất công bố danh nghĩa và lãi suất thực chất của các ngân hàng có khoảng cách khá lớn, nhất là lãi suất tiết kiệm. Lãi suất huy động được niêm yết cứ bằng nhau chằn chặn với hàng chục kỳ hạn khác nhau, từ vài tuần cho đến vài năm.
Lãi suất gửi tiền vào ngân hàng còn cao hơn cả cổ tức trả cho cổ phiếu của nhiều ngân hàng. Lãi suất cơ bản khóa cứng trong nhiều điều luật, nhưng tự nhiên lại trở thành vô nghĩa đối với các ngân hàng thương mại.
Quá nhiều mức lãi suất huy động cũng như cho vay được niêm yết rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng thật ít, giả nhiều, mức giao dịch thường là cao hơn công bố. Ngân hàng lôi kéo, gạ gẫm người gửi tiền. Người vay kỳ kèo, bớt một thêm hai tiền lãi vay ngân hàng. Chưa bao giờ, các nhà băng lại tranh nhau mặc cả làm giá đồng tiền, đến mức không khác nào ngoài chợ trời.
Theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự thì cả lãi suất huy động và cho vay cũng không được phép vượt quá 150% lãi suất cơ bản, tức không quá 13,5%/năm, nếu lãi suất cơ bản ở mức 9%/năm.
Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Thống đốc NHNN “Hướng dẫn TCTD cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận” cũng không hề có quy định nào cho phép vượt quá trần lãi suất này. Thế nhưng, hầu như “cả làng” đều huy động và cho vay vượt giới hạn luật định. Không còn biết thế nào là đúng hay sai pháp luật.
Vì thế, Techcombank mới đột ngột tung ra “quả bom” lãi suất huy động, nhảy vọt từ 14 lên 17%/năm, liền sau đó SeABank kích lên 18%/năm, làm hoảng loạn thị trường tiền tệ. NHNN đã cảnh cáo Techcombank về việc làm này, tuy nhiên về mặt pháp lý thì lại không dựa trên một quy định pháp luật cụ thể nào. Việc yêu cầu cách chức Giám đốc Techcombank Phú Mỹ Hưng huy động lãi suất cao cũng không dựa trên cơ sở pháp lý.
Tỷ giá đi đêm
Sức nóng tỷ giá USD trong năm 2010 cũng không chịu thua kém lãi suất. Cuối năm 2009, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD lên 5,44%; đến tháng 2/2010 điều chỉnh tỷ giá hơn 3,36% và tháng 8/2010, tiếp tục điều chỉnh gần 2,1%. Như vậy, chưa đầy một năm đã “phá giá” đồng nội tệ trên 10,5%.
Nhưng, tỷ giá thị trường tự do thì mới thực sự phá giá. Trong khi tỷ giá tối đa mà ngân hàng được phép giao dịch chốt chặt ở 19.500 đồng/USD, thì giá USD bên ngoài cao nhất lên đến trên 21.500 đồng/USD, chênh lệch trên 10%.
NHNN liên tục tuyên bố bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho thị trường, nhưng sự thực thì các doanh nghiệp đồng thanh kêu trời vì phải mua USD với giá chợ đen.
Ngân hàng thương mại không thể mua được USD với giá “mậu dịch” thì cũng chẳng thể bán cho doanh nghiệp với giá “phân phối”. Thế là các nhà trung gian tài chính phải làm một việc bất đắc dĩ là trở thành trung gian hợp pháp hóa đô la chợ đen.
Ngân hàng buộc phải đi đêm mua bán hoặc đi đêm môi giới giữa người mua và người bán USD. Chẳng hạn một giao dịch của ngân hàng bán cho doanh nghiệp 10 triệu USD thì phải “chế biến” chứng từ để hạch toán số tiền thực mua, thực bán chênh với số tiền ghi trên sổ sách có khi lên đến 20 tỷ đồng. Chứng từ sổ sách kế toán, xuất nhập, thu chi cho là hợp pháp cũng được mà bảo là phi pháp cũng cam.
Tăng vốn cưỡng ép
Năm 2010 là đỉnh điểm của chuỗi bất cập về yêu cầu tăng vốn điều lệ ngân hàng. Trong 9 năm phải tăng vốn lên 600 lần, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân, bất chấp hiệu quả và hiệu ứng xấu, là một gánh nặng “đè bẹp” nhiều ngân hàng.
Sức ép tăng vốn một đã gây ra sức ép tăng trưởng mười. Tất yếu gia tăng căng thẳng về cả quy mô huy động và cho vay, một yếu tố quan trọng đẩy chỉ số lạm phát lên 2 con số, gây nguy hiểm trực diện cho thị trường tiền tệ.
Một đất nước có rất ít doanh nghiệp được xếp vào loại doanh nghiệp lớn, với tiêu chí vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Vậy thì tại sao phải bắt tất cả các ngân hàng dù nhỏ yếu nhất cũng phải tăng vốn lên tới 3.000 tỷ đồng?
Một thực tế hiển nhiên là có nhiều ngân hàng không muốn và không có khả năng tăng đủ vốn pháp định. Tình hình càng thêm căng thẳng trước việc NHNN liên tục hối thúc và “đe doạ” sẽ rút giấy phép các ngân hàng chậm tăng, “lâu lớn”. Trong khi tình thế đang vô cùng nan giải như thế thì NHNN lại còn thành lập Ban soạn thảo Nghị định mới, dự kiến tiếp tục nhanh chóng tăng vốn pháp định lên gấp mấy lần.
Rất may, vào những ngày cuối cùng của năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc lùi lại thời hạn thực hiện Nghị định số 141/2006/NĐ-CP thêm 1 năm. Điều này giúp tránh một cuộc khủng hoảng đáng tiếc.
Theo tôi, trong vài năm tới, cần bãi bỏ hẳn yêu cầu tăng vốn tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng, thay vào đó, chỉ cần ấn định mức vốn pháp định đối với ngân hàng là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, những ngân hàng nhỏ nhất cũng đã có mức vốn gấp 10 lần so với tiêu chí để được xếp hạng vào loại doanh nghiệp lớn.
Sẽ là một sai lầm rất nghiêm trọng nếu cứ tiếp tục thực hiện ý đồ tăng vốn pháp định lên 5.000 - 10.000 tỉ đồng vào năm 2012 và 2015.
Nếu cho rằng năm qua đã thành công trong việc kìm hãm lãi suất không tăng cao nữa, neo được tỷ giá không tăng hơn nữa và đã buộc được nhiều ngân hàng tăng đủ vốn pháp định, thì cũng có phần đúng.
Nhưng để quy định không xa rời thực tế; để chính sách tiền tệ bớt lủng củng, bất cập; để tuyên bố đừng trái với diễn biến thị trường, thì trước hết chúng ta phải thừa nhận đó là 3 điểm bất cập đã tạo ra sóng cả cho hoạt động của các ngân hàng và nền kinh tế, và phải được khắc phục trong thời gian tới.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO; Giám đốc Pháp chế BaoViet Bank
Diễn đàn doanh nghiệp
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 192
- Truy cập hôm nay: 3377
- Lượt truy cập: 7799504