Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Đón sóng đầu tư từ Mỹ
2011-01-26 16:20:08

Tín hiệu mở rộng làn sóng đầu tư thứ 3 của Mỹ đã bắt đầu xuất hiện. Doanh nghiệp Việt sẽ làm gì để vừa tranh thủ cơ hội vừa giải quyết những thách thức mà làn sóng này mang lại?

Sau 15 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp hơn 40 lần, lên xấp xỉ 17 tỉ USD. Cho đến nay, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu đang phát triển nhanh nhất của Mỹ (theo đánh giá của ông Ken Fairfax, cựu Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM); còn Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn của Việt Nam.

 

 

Ông Fairfax đã khái quát bức tranh đầu tư Mỹ trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào tháng 5.2010 rằng, Mỹ đang rất quan tâm đến lĩnh vực dầu khí, công nghệ cao, y tế và thực phẩm. Trong khi đó, thị trường bất động sản nhận dòng vốn Mỹ thông qua hình thức đầu tư gián tiếp (qua các quỹ đầu tư); còn mảng bán lẻ thì không mấy thu hút bởi những hạn chế trong quy định về hoạt động của nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam (công ty bán lẻ nước ngoài chỉ được phép mở một cửa hàng).

 

 

Những điều ông Fairfax chia sẻ chính là bối cảnh đầu tư Mỹ trong làn sóng đầu tư 3+, nghĩa là tiếp nối 3 làn sóng trước đây của Mỹ tại Việt Nam. Trước làn sóng mới này, doanh nghiệp Việt sẽ làm gì để vừa có thể tranh thủ cơ hội vừa giải quyết những thách thức mà nó mang lại?

 

 

3 làn sóng, 3 chiến lược và 3+

 

 

Ngay sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận kinh tế vào năm 1994, các đại gia sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của nước này như PepsiCo, Coca-Cola và Procter & Gamble (P&G) đã chớp ngay cơ hội nhảy vào Việt Nam, bắt đầu làn sóng đầu tư đầu tiên của doanh nghiệp Mỹ tại đây.

 

 

Chiến lược họ sử dụng để thâm nhập thị trường là thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), mở màn là thương vụ liên doanh giữa PepsiCo với Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) vào năm 1994. Đến năm 1995, Công ty Sơn Hải bán thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD.

 

 

Năm 2001, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ được ký kết, mở đường cho các nhà đầu tư Mỹ tiến hành làn sóng đầu tư thứ 2 tại Việt Nam với chiến lược mới. Đó là sử dụng nguồn lao động địa phương để gia công các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ cho các đối tác Hàn Quốc, Đài Loan có quan hệ thương mại với Mỹ. Một trong những doanh nghiệp Mỹ tích cực tham gia vào làn sóng này là Nike Vietnam, chuyên sản xuất dụng cụ và quần áo thể thao. Năm 2004, tỉ trọng xuất khẩu của Công ty chiếm 3% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Đến năm 2005, công ty này đã mở rộng quy mô sản xuất lên đến 39 nhà máy.

 

 

Sự ăn nên làm ra của các công ty Mỹ được đo lường bằng các thương vụ M&A, xây dựng nhà máy, tăng cường lao động trong nước. Điều này càng tạo nên một hấp lực cho làn sóng đầu tư thứ 3 của Mỹ vào Việt Nam, bắt đầu từ năm 2006. Làn sóng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chế tạo hiện đại với dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định chip điện tử có vốn đầu tư cam kết lên đến 1 tỉ USD của Tập đoàn Intel. Tính đến cuối năm 2010, các công ty Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam 48 dự án với tổng vốn hơn 1,9 tỉ USD, chỉ đứng sau Hà Lan và Hàn Quốc.

 

 

Không dừng ở đó, từ nửa cuối năm 2010 đến nay, đã xuất hiện tín hiệu mở rộng làn sóng đầu tư thứ 3 (gọi là làn sóng đầu tư 3+). Điển hình là sự kiện Tập đoàn General Electric (GE) khánh thành nhà máy sản xuất máy phát điện tuabin gió đầu tiên tại Việt Nam (10.2010); P&G Vietnam đầu tư thêm nhà máy thứ 2 chuyên sản xuất tã giấy Pampers tại Khu Công nghiệp Bình Dương; hay PepsiCo đã thực hiện Bắc tiến bằng việc khởi công xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát và thực phẩm lớn nhất Việt Nam tại Bắc Ninh (5.1.2011).

 

 

Ngoài lĩnh vực thực phẩm, công nghệ, các nhà đầu tư Mỹ được dự báo cũng sẽ tạo sóng đối với ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính - ngân hàng. Ông Brett Krause, Tổng Giám đốc Citibank Vietnam, cho biết, 2010 là năm bản lề của Ngân hàng không chỉ về kinh doanh mà còn về mở rộng đầu tư và quy mô hoạt động tại thị trường Việt Nam. Citibank Vietnam được công nhận là nhà cung cấp dịch vụ chiến lược cho hơn 90% công ty hàng đầu trong danh sách Fortune 500 đang hoạt động trực tiếp hay gián tiếp tại đây.

 

 

Ông Krause cho rằng, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường trọng điểm của dịch vụ ngân hàng bán lẻ và Citibank sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho chiến lược này thông qua 2 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM từ năm 2011.

 

 

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

 

 

Việt Nam đang có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi lọt vào top 3 điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt, Việt Nam đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn so với Trung Quốc vì quốc gia này đang gặp phải 2 bất lợi lớn. Thứ nhất, nhân dân tệ có xu hướng tăng giá dưới sức ép của Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Thứ 2, giá nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng, được dự báo sẽ thuộc vào hàng cao nhất châu Á và thế giới trong một thập kỷ tới.

 

 

“Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tranh thủ nguồn vốn từ các nhà đầu tư Mỹ”, ông Fred Burke, Giám đốc Hãng Luật Baker McKenzie Vietnam, nhận định.

 

 

Điều đáng chú ý là trong 5 năm trở lại đây, đầu tư Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, dịch vụ, hoặc gia công về công nghệ. Đây là tín hiệu tích cực vì đem đến nhiều việc làm thu nhập khá cho người lao động trong nước. “Tại Việt Nam, Mỹ sẽ tạo ra thị trường lao động với mức thu nhập từ trung đến cao vì họ là các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thời thượng như điện thoại di động, chip điện tử, trang thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị năng lượng sạch”, ông Burke, Baker McKenzie Vietnam, nói.

 

 

Trong khi đó, mảng dịch vụ, vốn chiếm hơn 40% cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội, cũng còn nhiều tiềm năng đối với Mỹ trong thời gian tới. Theo ông Burke, ngành dịch vụ đang ngày một phát triển tại Việt Nam, nhưng vẫn còn hạn chế về mặt ý tưởng. Vì vậy, khi có thêm nhiều công ty dịch vụ lớn của Mỹ vào thị trường thì các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội nắm bắt ý tưởng và học hỏi cách thức làm dịch vụ của họ. Hơn nữa, theo ông, sự góp mặt của các doanh nghiệp Mỹ trong ngành dịch vụ sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh của thị trường nội địa.

 

 

Tuy nhiên, vẫn còn có một số rào cản trong việc thu hút đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Một trong số đó, theo bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc P&G Vietnam, là chính sách thuế đánh trên phúc lợi của nhân viên. “Cứ 1 đồng P&G Vietnam chi trả cho các khoản này thì sẽ bị đánh thuế thành 1,25 đồng, trong khi tại Thái Lan chúng tôi chỉ phải trả 0,75 đồng”, bà nói.

 

 

“Nếu không tìm được nơi tốt nhất thì nhà đầu tư sẽ tìm nơi ít xấu nhất để rót vốn”, ông Burke, Baker McKenzie Vietnam, chia sẻ thêm về vấn đề khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, ông cho rằng, các nhà đầu tư Mỹ đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc thảo luận các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với Chính phủ Việt Nam thông qua các kênh truyền thông như Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.

 

 

Ông Burke cũng hy vọng việc triển khai các nội dung chi tiết của Đề án 30 về cải cách hành chính trong các bộ ngành sẽ là động lực tiếp tục thu hút các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam trong tương lai.

 

 

Trước làn sóng đầu tư mới từ Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều nhìn nhận đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Luật sư Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty Luật Phuoc & Partners (P&P) thể hiện thái độ khá lạc quan về làn sóng này, vì 2 lý do. Thứ nhất, các nhà đầu tư Mỹ sẽ rót vốn vào Việt Nam, mang theo trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt học hỏi. Thứ 2, nguồn nhân lực trong nước làm việc cho các công ty Mỹ sẽ được đào tạo bài bản, thậm chí ngay tại Mỹ.

 

 

Tuy nhiên, thuận lợi luôn song hành với thách thức và chắc chắn tình trạng chảy máu chất xám sẽ tiếp diễn vì lao động trẻ Việt Nam thường mong muốn được làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Về khía cạnh cạnh tranh, ông Phước cho rằng đây không phải là vấn đề quá lớn vì các sản phẩm chip điện tử của Intel, chẳng hạn, chủ yếu để xuất khẩu nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất hiện đại trong nước như FPT.

 

 

Khi được hỏi về chiến lược tiếp nhận làn sóng này của P&P, ông Phước cho biết, Công ty sẽ tiếp tục nhắm đến thị trường ngách vì P&P tự định vị là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn luật ở tầm thấp hơn như các vấn đề về luật lao động, chế độ lương, chính sách thuế; còn các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Baker McKenzie hay Juris sẽ thực hiện những dịch vụ tư vấn ở tầm cao hơn như giao dịch xuyên biên giới, hợp đồng về sở hữu trí tuệ, tư vấn M&A. Hiện nay, P&P có khoảng 50 khách hàng là các công ty Mỹ như Intel, Coca-Cola trong tổng số hơn 1.000 khách hàng trong cả nước.

 

 

Còn ông Mai Thanh Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nagakawa Việt Nam, thì nhìn nhận làn sóng đầu tư 3+ của các doanh nghiệp Mỹ vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các doanh nghiệp điện tử - điện lạnh trong nước. Ông cho biết, chiến lược của Công ty là tập trung xây dựng hệ thống phân phối và phát triển nguồn vốn.

 

 

Tại Việt Nam, thị trường điện tử - điện lạnh Việt Nam có đầu mối tiêu thụ sản phẩm then chốt là hệ thống các siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, chiến lược phân phối của Nagakawa là phải tạo mối quan hệ hợp tác win-win (tất cả cùng thắng) với các nhà phân phối vì các thương hiệu điện lạnh Việt Nam hiện vẫn chưa thể cạnh tranh được về giá với những nhãn hàng lớn của Mỹ. Nagakawa cũng đồng thời xây dựng chiến lược phát triển nguồn vốn bằng cách tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn ở các lĩnh vực đầu tư ngoài lĩnh vực chính. Sau đó, doanh nghiệp này mới tập trung đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất.

 

 

“Nếu nôn nóng nâng cao công nghệ mà không có thị trường, không xây dựng được mạng lưới phân phối thì sản xuất sẽ bị khấu hao lớn và chắc chắn sẽ lỗ”, ông Phương, Nagakawa, nói.

 

 

Trong khi đó, ông Hoàng Sĩ Hóa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel), cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam còn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư Mỹ và doanh nghiệp này sẵn sàng hợp tác với đối tác Mỹ trong kế hoạch sản xuất các thiết bị viễn thông đầu cuối như điện thoại di động, hệ thống tổng đài điện thoại... trong năm 2011. Tuy nhiên, ông từ chối nói rõ hơn về chiến lược này.

 

 

 

 

Theo NCĐT




Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,558.605,058.60
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,620.104,120.10
100g ABC Bullion Bar
14,759.2013,259.20
1kg ABC Bullion Silver
1,770.901,370.90
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 115
  • Truy cập hôm nay: 3886
  • Lượt truy cập: 7800013