Liệu các nhà hoạch định chính sách có lấp nổi lỗ hổng kiến thức về hệ thống tài chính của mình hay không?
Trong thời kì Đại suy thoái, Tổng thống Hoover và Tổng thống Roosevelt đã phải xây dựng chính sách kinh tế trên cơ sở thông tin mà theo đánh giá của các nhà hoạch định chính sách ngày nay là thảm hại. Song song với sản lượng công nghiệp, số nhân công trong nhà máy và doanh số cửa hàng, người ta còn tính cả số toa xe vận tải hàng hóa bằng đường sắt. Kết quả là, nước Mỹ sau đó đã phát triển thêm hệ thống tài khoản quốc gia nhằm đánh giá hiệu quả hơn nền kinh tế, dựa trên những khái niệm như tổng sản phẩm quốc nội.
Kể từ đó, trên thế giới có hàng loạt phát minh về thống kê kinh tế tài chính và quy trình xử lý dữ liệu. Ấy vậy mà cho tới giờ, với các nhà hoạch định chính sách, hệ thống tài chính vẫn còn khá mù mờ. Các hội đồng “thận trọng vĩ mô” được giao trọng trách duy trì sự ổn định tài chính, như Hội đồng Rủi ro Hệ thống Châu Âu (phiên họp khai mạc của hội sẽ diễn ra trong tuần tới) và Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính Mỹ.
Song cuộc khủng hoảng lại làm lộ ra những lỗ hổng kiến thức khổng lồ. Từ vấn đề chứng khoán hóa tài sản thế chấp, chứng khoán liên quan đến cho vay dưới chuẩn cho tới việc hoán đổi vốn góp nhằm tăng vốn kinh doanh mà AIG đã đề ra chính sách bảo hiểm, có hàng loạt các sản phẩm tài chính mới lạ dễ gây hoang mang đóng vai trò trọng yếu trong khủng hoảng kinh tế.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), câu lạc bộ quốc tế của các cơ quan giám sát, đã chọn ra một số vấn đề cần ưu tiên giải quyết, mà ba trong số đó là những điều được mong đợi nhất. Đầu tiên là biện pháp vay mượn toàn hệ thống và “chênh lệch kì hạn thanh toán”, khi các ngân hàng sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để mua các tài sản dài hạn.
Trong quá khứ, đây chính là nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng tài chính. Bảng cân đối kế toán của mười ngân hàng lớn nhất thế giới đã phình ra hơn gấp đôi chỉ từ năm 2003 đến 2007. Vì việc cho vay diễn ra nhanh hơn việc nhận tiền gửi của khách hàng, nên để lấp chỗ trống, các ngân hàng phải đi vay ngắn hạn, thường là từ các công ty tài chính khác. Sau vụ phá sản của Lehman Brothers hồi tháng 9 năm 2008, nhiều ngân hàng phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc gia hạn các nguồn vốn này.
Ưu tiên thứ hai là vấn đề dữ liệu về mối quan hệ giữa các ngân hàng lớn và những tổ chức tài chính khác. Không chỉ có các ngân hàng đầu tư khổng lồ mới vấp phải rủi ro trên khắp thế giới. Rất nhiều tổ chức ở châu Âu đã từng mua cả đống chứng khoán liên quan đến thị trường nhà đất của Mỹ. Do vậy, cần phải có nguồn thông tin đầy đủ hơn về những rủi ro của các ngân hàng ở nhiều nước khác nhau, cũng như tập trung vào các loại tài sản gốc.
Cuối cùng là dữ liệu về “hệ thống ngân hàng ngầm”, bao gồm các công ty tài chính phi ngân hàng hoạt động ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách. Trước khủng hoảng, ngân hàng được kiểm soát đã trở nên quá phụ thuộc vào ngân hàng ngầm trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Việc sử dụng các công cụ nằm ngoài bảng cân đối kế toán tạo ra tầng tầng lớp lớp trung gian đã khiến cho mọi thứ trở nên mờ ám hơn.
IMF và FSB sẽ báo cáo lại vào tháng 6 tới đây. Đến nay đã đạt được một số tiến bộ. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), câu lạc bộ của các ngân hàng trung ương, đã sử dụng dữ liệu nghiệp vụ ngân hàng quốc tế để tìm ra giải pháp cho vấn đề chênh lệch kỳ hạn thanh toán. Song giải pháp này lại chỉ giới hạn trong các các ngân hàng, và cũng chỉ bao quát được các hoạt động quốc tế cùng những tài khoản trên bảng cân đối kế toán mà thôi; và như đã thấy trong cuộc khủng hoảng đồng euro, dữ liệu của BIS cũng có lúc khó mà lý giải nổi.
Để quản lý hệ thống ngân hàng toàn cầu tốt hơn, FSB đã đưa ra một mẫu báo cáo chung nhằm xác định tính rủi ro đối với khu vực tài chính khác nhau và thị trường tài sản quốc gia. Sẽ khá khó khăn để thuyết phục các ngân hàng sử dụng mẫu báo cáo mới, bởi việc này yêu cầu phải có một hệ thống tư vấn rộng khắp và phải bảo đảm được vấn đề bảo mật và các vấn đề pháp lý.
Hệ thống ngân hàng ngầm cũng đặt ra một vấn đề khá gai góc. IMF đang cố gắng đánh giá vấn đề ở những khu vực thiếu thốn hoặc thậm chí không có dữ liệu như là quỹ đầu tư, quỹ thị trường tiền tệ và các chứng khoán phái sinh giao dịch phi tập trung. Để làm được như vậy, phải trói tay các công ty tài chính hiện thời chưa báo cáo số liệu. Cho tới lúc đó, lỗ hổng kiến thức nghiêm trọng nhất có lẽ nằm ở khu vực sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh nhất.
Paul Tucker từ Ngân hàng Trung ương Anh lo lắng trước những đe dọa tới sự ổn định tài chính, vốn được hình thành từ khu vực ngoài kiểm soát và trăn trở liệu có nên mở rộng “vành đai giám sát” để điều chỉnh cả những tổ chức trong khu vực này không. Nếu được như vậy, các nhà chức trách không những giám sát được các công ty này, mà còn có được nguồn thông tin tốt hơn cho việc hoạch định chính sách.
Chết vì thiếu hiểu biết
Bất chấp mọi nỗ lực khắc phục lỗ hổng dữ liệu, sự tiến triển không ngừng cùng bản chất biến hóa của hệ thống tài chính đã khiến vấn đề càng trở nên phức tạp. Khi các nhân viên ngân hàng trẻ và tài năng tạo ra những sản phẩm mới, các quan chức khó có thể theo kịp. Thực tế có nhiều bằng chứng cho thấy các kĩ thuật tài chính mới được tạo ra là do cơ quan giám sát không thể hiểu được những sản phẩm đó, và do đó không trừng phạt chúng vì quá rủi ro.
Các hợp đồng bảo hiểm từng gắn chặt AIG vào hệ thống ngân hàng được thiết kế nhằm giúp các ngân hàng nâng tỷ lệ vốn của mình. Việc gắn liền những khoản nợ rủi ro vào các loại chứng khoán phức tạp lôi cuốn thực ra là do chúng có chi phí vốn thấp. Vì vậy, các nhà chức trách giờ đây không những phải cố bắt kịp nhịp độ phát triển của ngành tài chính, mà còn phải liên tục vật lộn với các vấn đề của nó.
Hi vọng là việc thấu hiểu thị trường, ví dụ như thông qua thảo luận với các nhà đầu tư giỏi phán đoán, có thể giúp các quan chức trở nên thông thái hơn. Tuy vậy, hãy thử tưởng tượng trường hợp có được nguồn dữ liệu hoàn hảo: một bảng tính khổng lồ liên tục cập nhật dữ liệu kinh doanh, cho vay, các hoạt động xuyên biên giới, tính liên kết và các rủi ro về nguồn vốn của tất cả những tổ chức trong và ngoài tầm kiểm soát. Cho dù một vài người có thể tiếp nhận được từng ấy thông tin thì các nhà chức trách vẫn phải đưa ra quyết định về thời điểm hành động.
Trước khủng hoảng, các nhà hoạch định chính sách và các giám sát viên, cũng như phần lớn mọi người, đã hợp lý hóa các vấn đề xấu mà ai cũng thấy rõ, như việc giá nhà đất tăng đột biến và mức vốn quá thấp của một vài ngân hàng. Claudio Borio từ BIS đã nói, “Nguyên nhân chính của khủng hoảng không phải do thiếu dữ liệu thống kê, mà do không biết cách phân tích chính xác cũng như đưa ra hành động khắc phục”.
Thu Thủy
Theo Economist
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 169
- Truy cập hôm nay: 4421
- Lượt truy cập: 7800548