Nhận định về kết quả Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 11/2012 vừa được công bố, TS. Vũ Đình Ánh thốt lên: "Cuối cùng cũng đã có dấu hiệu của sự phát triển kinh tế, mặc dù chỉ là khiêm tốn".
Sự vui mừng của chuyên gia kinh tế này đến từ chỉ số việc làm tăng hai tháng liên tiếp như là dấu hiệu tăng quan trọng nhất trong năm, không chỉ phản ánh những kế hoạch tăng trưởng đang áp dụng mà còn cho thấy nhu cầu kinh doanh mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp mới. Điều này có nghĩa là các nhà quản lý sản xuất lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2012 vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, dù đang trong thời điểm cuối năm, nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khiêm tốn, điều này khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại (10 tháng năm 2012 đạt mức tăng 17,9% so với cùng kỳ, 11 tháng năm 2012 tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong khi đó chỉ số này của năm 2011 có mức tăng dần đều, 10 tháng đạt 23,1%; 11 tháng tăng 23,5%, và đạt đỉnh 24,2% vào tháng 12). Những dấu hiệu trên cho thấy tổng cầu của nền kinh tế dù đã được cải thiện, nhưng chưa có những động lực để bật lên mạnh mẽ.
Gọng kìm lãi suất
Tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn rất khó khăn. Có đến 46.500 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11. Nếu so với con số khoảng 40.200 doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm, thì sẽ thấy mức tăng trên là đáng kể. Điều đáng nói là sự gia tăng đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam thuộc đa số ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở hai khâu chủ yếu là "đầu vào" và "đầu ra" của sản phẩm. Cụ thể, việc phải chịu mức lãi suất cao (trên 15%/năm) trong một thời gian kéo dài trên 30 tháng làm khó khăn của doanh nghiệp tăng thêm.
Trên thực tế, kể từ thời điểm cuối tháng 3/2010, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2010/TT-NHNN ngày 26/2/2010 về áp dụng lãi suất thỏa thuận cho các khoản tín dụng trung và dài hạn, lãi suất cho vay trên thực tế đã dao động ở mức 16-20%. Chi phí tài chính cao làm lợi nhuận suy giảm, gây cản trở quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Đây cũng là chi phí tác động tiêu cực mạnh nhất tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp so với các chi phí khác.
"Chỉ tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2012, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gần 25% so với cuối năm trước. Điều này đã làm cho tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức khoảng 7%, so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011", một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.
Lãi suất cao không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, mà còn đang làm giảm mạnh sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Theo tính toán, lãi suất của Việt Nam hiện đang cao hơn rất nhiều (từ 2-3 lần) so với các nước trong khu vực, do đó nếu các yếu tố khác không đổi thì giá thành sản phẩm của Việt Nam đang cao hơn 2% so với Ấn Độ, 2,51% so với Thái Lan, 2,6% so với Trung Quốc và với Singapore là 2,8%.
Hạ lãi suất: cần nhưng chưa đủ
Trong bối cảnh đó, vị lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói trên nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1% so với lãi suất quy định hiện nay, đồng thời khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Bối cảnh hiện nay cho thấy có nhiều cơ sở để giảm lãi suất: thứ nhất, lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm. Thứ hai, lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn. Thêm nữa, nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp khi các kênh đầu cơ như vàng, bất động sản, chứng khoán đều đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.
Mặt khác, thực tế cho thấy dù lãi suất ngân hàng đã giảm 5% kể từ đầu năm nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện có mức tăng khoảng 15% so với đầu năm. Điều này chỉ ra rằng, việc gửi tiền tại ngân hàng đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác và cũng cho thấy lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam đang tăng lên đáng kể.
Đồng thời, dự trữ ngoại hối hiện nay khá dồi dào, hơn nữa tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể do tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài, việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư, do đó việc hạ lãi suất tiền đồng sẽ không có tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang đô la Mỹ.
Tuy các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã đủ để giảm lãi suất, nhưng nếu coi hạ lãi suất là liệu pháp then chốt cứu các doanh nghiệp thì lại chưa đủ. Theo ông Sumit Dutta, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp không muốn vay. Doanh nghiệp muốn chờ đợi và xem xét, muốn thấy nhu cầu nội địa quay trở lại, hàng tồn kho được giải quyết thì họ mới vay lại. Nhìn nhận rằng, đối với ngân hàng, hiện nay chi phí đã hợp lý nhưng còn yếu tố quan trọng thứ hai là khả năng tiếp cận vốn chưa được cải thiện, và đó mới là mấu chốt vấn đề, vị đại diện của HSBC Việt Nam cho biết thêm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, hạ lãi suất không phải là giải pháp duy nhất cứu nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Lãi suất huy động nếu có hạ 1% để hỗ trợ lãi suất cho vay xuống mức 10%/năm đi nữa thì doanh nghiệp đang vay và có thể vay được từ ngân hàng cũng chiếm tỷ trọng không nhiều.
"Cho dù lãi suất được hạ nhiều hơn nữa nhưng doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn, ngân hàng cũng không dám cho vay vì sợ nợ xấu; doanh nghiệp vay vốn về nhưng không có đầu ra cho sản phẩm thì cũng không cần đầu vào. Trong khi đó, chi tiêu ở Việt Nam lại không dựa vào tín dụng tiêu dùng mà chủ yếu dựa vào tiền mặt, bao gồm tiền tiết kiệm, tiền lương… Vì vậy, hạ lãi suất không kích thích chi tiêu ở Việt Nam", TS. Hiếu nhấn mạnh.
Theo An Hà
DDDN
http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/ha-lai-suat-dau-phai-dua-than-20121214110946440ca34.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 302
- Truy cập hôm nay: 3898
- Lượt truy cập: 7794305