Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

“Nên giữ một mức chênh giá vàng đủ lớn”
2013-07-12 08:59:48

Bắt đầu từ 28/3/2013, đến nay hoạt động đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước đã đi được một quãng đường dài. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đề ra là thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới vẫn chưa thực hiện được.

Nhìn lại quá trình đấu thầu này, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng, cần thống nhất lại quan điểm về bản chất và vai trò thực của vàng, theo đó là cách nhìn về chênh lệch giá vàng hiện nay.

Qua 41 phiên đấu thầu vàng miếng với khoảng 43 tấn cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện xong việc bóc tách vốn vàng ra khỏi cơ cấu huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Ông nhìn nhận thế nào về sự ra đi này của vốn vàng?

Nhìn lại lịch sử một chút. Từ năm 2000, thực hiện chủ trương khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng được huy động, cho vay vốn bằng vàng và chuyển đổi tối đa 30% nguồn vốn huy động bằng vàng sang VND. Chính sách này đã phát huy tác dụng trong giai đoạn giá vàng thế giới và trong nước khá ổn định (2000-2007).

Tuy nhiên, kể từ năm 2008 - thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nổ ra đến nay, khi thị trường vàng thế giới và trong nước biến động tăng mạnh cùng với sự bất ổn kinh tế vĩ mô, chính sách trên đã bộc lộ nhiều bất cập và chứa đựng những nguy cơ khó lường.

Việc cho phép huy động, cho vay vàng và chuyển đổi vàng thành tiền gián tiếp dẫn tới tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, làm gia tăng tình trạng đầu cơ, găm giữ, nhập lậu vàng, kéo theo hệ lụy cho tỉ giá, tiếp đến là lạm phát, đồng thời gây rủi ro lớn cho chính các tổ chức tín dụng và người vay vàng.

Nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời để thực hiện chủ trương xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế tiến tới chuyển hóa quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua bán vàng, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản chấm dứt hoạt động này (Thông tư 11 và sau đó là Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung). Và hạn chót 30/6 đã qua cùng với sự đóng lại về cơ bản trạng thái vàng huy động của các tổ chức tín dụng, theo như tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước.

Tôi cho rằng việc đóng trạng thái này là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên việc Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ các tổ chức tín dụng qua đấu thầu vàng là sự “cực chẳng đừng”. Nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước tới đây là phải làm sao để từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân (dưới hình thức mới - mua bán thay vì vay mượn) nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đã cung ra 43 tấn vàng, nhưng yêu cầu đưa giá vàng trong nước sát giá thế giới, hay thu hẹp chênh lệch giá vẫn chưa thực hiện được. Theo ông là vì sao?

Cần xem lại thực sự lượng cung 43 tấn vàng qua đấu thầu bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước từ cuối tháng 3/2013 tới nay, đã đáp ứng đủ trước hết cho nhu cầu đóng trạng thái thật vàng huy động của các tổ chức tín dụng hay chưa. Tiếp theo là có hiện tượng đầu cơ, găm giữ, tạo sốt giá không khi mà nguồn cung là có hạn và về nguyên tắc, lâu dài sẽ chỉ từ một đầu mối là Ngân hàng Nhà nước – vàng quốc gia, giống như tiền (liên quan đến tiềm lực quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước), đồng thời ngoài 22 ngân hàng, còn tới 16 doanh nghiệp trong tổng số 38 tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng, không bị quy định giới hạn trạng thái vàng (?).

Như tôi vừa nói, Ngân hàng Nhà nước đã miễn cưỡng phải hỗ trợ các tổ chức tín dụng đóng trạng thái vàng huy động xuất phát từ đạo lý hơn thập kỷ trước đây chính Ngân hàng Nhà nước cho phép và khích lệ các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động này, nay lại cấm khi mà rủi ro do biến động giá vàng mang lại cho tổ chức tín dụng quá lớn. Lượng vàng cung ra qua đấu thầu vừa qua phần lớn phục vụ cho mục đích này.

Xét một cách công bằng, các tổ chức tín dụng đã từng kiếm bộn từ hoạt động chuyển đổi 30% nguồn vốn huy động bằng vàng sang VND để cho vay hưởng chênh lệch lãi suất cao trước đây, nay phải chấp nhận mua lại vàng từ Ngân hàng Nhà nước với mức giá cao hơn giá sàn trên thị trường trong nước là hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước duy trì mức chênh này còn nhằm hạn chế ý đồ đầu cơ của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Và một cách gián tiếp, Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng đặc biệt khi lực cầu này đang hết sức tiềm năng.

Vậy quan điểm của ông như thế nào về chênh lệch giá vàng trong nước so với giá thế giới?

Trước hết cần thống nhất lại quan điểm về bản chất cũng như vai trò thực của vàng (vàng miếng, thỏi, nén… dạng tiêu chuẩn, không phải vàng trang sức hàng hóa).

Theo tôi, vàng là tiền tệ, là một loại ngoại hối, thực hiện chức năng quan trọng số một là tích trữ giá trị do đặc thù có tính thanh khoản cao và bảo toàn được giá trị khi rủi ro trong nền kinh tế gia tăng.

Chính vì vậy, giống như đối với ngoại tệ, việc quản lý thị trường vàng chính là quản lý tài khoản vốn. Cách hành xử với vàng nhất thiết phải được đặt trong sự xem xét đến lý thuyết bộ ba bất khả thi.

Nói một cách nôm na, việc cố gắng đưa giá vàng trong nước về gần sát giá vàng thế giới (trừ phí, thuế) đồng nghĩa với việc phải cho liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế (tức cho kinh doanh trở lại vàng tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng, đồng thời cho phép xuất nhập khẩu số dư vàng trên tài khoản khi có nhu cầu). Điều này cũng có nghĩa là cho phép tự do hóa tài khoản vốn, tức tương đương với việc phải hy sinh mục tiêu ổn định tỉ giá để theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Diễn đạt cách khác, việc theo đuổi mục tiêu san bằng giá vàng trong nước và ngoài nước gần như không khả thi khi điều này đồng nghĩa với việc liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế, làm phương hại tới các mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi.

Như vậy, rõ ràng cần giữ một mức chênh lệch giá nội - ngoại ở mức đủ lớn với ý nghĩa như một mức phí nhằm làm nản ý định chuyển dịch tài sản nội tệ sang vàng của người dân.

Ông nói cần giữ một mức chênh lệch lớn, đủ lớn, vậy nên xem xét thế nào là lớn và đủ lớn?

Khá khó định lượng, bởi mức tuyệt đối còn phụ thuộc vào kỳ vọng và ý chí của người dân trong việc nắm giữ vàng ở các thời kỳ khác nhau. Trong bối cảnh hiện tại, mức chênh lệch cỡ trên dưới 10% giá vàng quốc tế quy đổi có lẽ là đủ lớn.

Nhưng với chênh lệch lớn lại có thể làm nảy sinh vấn đề nhập lậu và tác động đến tỷ giá, dù thực tế mấy năm qua có nhiều thời điểm chênh lệch lớn mà không tác động đến tỷ giá?

Đúng là có khả năng có sự đánh đổi ở đây, tuy nhiên bạn biết rằng khuôn khổ pháp lý hiện hành (Nghị định 24, Nghị định 95…) đủ sức ngăn chặn vấn đề nhập lậu vàng, tất nhiên còn phụ thuộc ở khả năng và mức độ thực thi pháp luật.

Chênh lệch ở đây được hiểu là cao hơn đủ lớn so với giá thế giới. Điều đó đồng nghĩa với vốn vàng sẽ đọng lại trong nước, thậm chí tích tụ thêm theo chênh lệch. Vậy có cách nào để tranh thủ hay huy động nguồn lực của nó cho nền kinh tế thay vì lạnh lẽo trong két sắt, thưa ông?

Bạn nói có lý. Chúng ta đều biết rằng nước ta không phải là nước sản xuất vàng trong khi nhu cầu nắm giữ vàng để tích trữ tài sản theo thói quen, tập tục lâu đời hoặc để trú ẩn, bảo toàn giá trị khi rủi ro trong lên kinh tế gia tăng, luôn tồn tại (chưa tính đến nhu cầu vàng trang sức). Vì vậy, thông thường là chúng ta luôn phải nhập khẩu vàng và đúng là giá trị vốn vàng sẽ đọng trong dân, thậm chí gia tăng khi có thêm mức chênh lệch được duy trì.

Tuy nhiên, cũng có lúc chúng ta xuất khẩu được vàng khi mà giá thế giới tăng đạt ngưỡng kỳ vọng đủ khích lệ người dân sẵn sàng bán ra lấy tiền mặt hoặc như khi người dân tin tưởng vào giá trị VND, sẵn sàng chuyển đổi vàng tích trữ, trú ẩn sang tài sản nội tệ để đầu tư hay tiêu dùng.

Bạn cũng nên nhớ, Ngân hàng Nhà nước đóng vai người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng; về nguyên tắc, có thể định giá và dẫn dắt thị trường theo ý đồ thực thi chính sách tiền tệ và chính sách quản lý ngoại hối mỗi thời kỳ.

Đóng lại cánh cửa huy động và cho vay vàng, Ngân hàng Nhà nước đồng thời mở ra cánh cửa mới - mua bán vàng. Như đã nói, nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước tới đây là phải có giải pháp khả thi để từng bước huy động được nguồn lực vàng trong dân nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Và hiển nhiên, điều kiện tiền đề để thực hiện được việc này nằm ở niềm tin của công chúng về sự ổn định kinh tế vĩ mô, về giá trị VND được bảo vệ.
 
Theo Minh Đức

Vneconomy

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/nen-giu-mot-muc-chenh-gia-vang-du-lon-2013071115414498317ca34.chn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,342.504,907.50
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,439.204,019.20
100g ABC Bullion Bar
14,179.5012,879.50
1kg ABC Bullion Silver
1,672.101,322.10
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 63
  • Truy cập hôm nay: 445
  • Lượt truy cập: 7768815