Mỹ một mặt mạnh tay bơm vốn giải cứu ngân hàng nhưng lại không can thiệp sâu vào điều hành. Trung Quốc thành công nhờ trực diện xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước trong khi Nhật sẵn sàng cho tự sụp đổ nếu ngân hàng quá yếu kém. Còn Malaysia, với mô hình Danaharta, đã giải phóng thành công 70% nợ xấu nhờ trao cho tổ chức AMC này khung khổ pháp lý đặc biệt.
Với Mỹ: Cuộc khủng hoảng tài chính Phố Wall năm 2008 bắt nguồn từ bong bóng bất động sản tan vỡ - tình cảnh khá tương đồng với Việt Nam hiện nay. Để giải cứu những tổ chức tín dụng sắp "chết", Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định bơm 700 tỷ USD.
Lượng tiền này được phân bổ một phần để mua lại nợ xấu ngân hàng thương mại, một phần dùng để giải quyết thanh khoản tạm thời cho những đơn vị yếu kém. Phần còn lại - nhưng chiếm tỷ trọng lớn - là để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng.
Với mục đích thứ ba, Fed lựa chọn mua cổ phiếu ưu đãi thay vì loại phổ thông. Cổ phiếu ưu đãi được hưởng mức cổ tức cố định, không phụ thuộc vào khả năng sinh lời nhưng lại không có quyền tham gia vào việc điều hành ngân hàng.
Fed chỉ muốn đẩy một ít dòng tiền để ngân hàng có vốn đầu tư và thoát khỏi tình trạng tồi tệ - về mặt bản chất chính là Fed cho vay - nhưng họ chủ trương nắm quyền kiểm soát các ngân hàng nên việc họ chọn loại cổ phiếu ưu đãi như phân tích ở trên là rất thích hợp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng từng có kinh nghiệm làm việc ở Mỹ - nhìn nhận, cả 3 phương án của Mỹ đều phù hợp. Theo tính toán của ông, Việt Nam cần khoảng 7 tỷ USD (tương đương hơn 140.000 tỷ đồng) để mua lại nợ xấu như phương án thứ nhất của Mỹ. Nếu để ngân hàng tự bán nợ xấu sẽ gây thiệt hại thêm bởi với chất lượng nợ như vậy, tỷ lệ chiết khấu rất cao, có thể lên tới 80%-90%.
Phương án mua lại cổ phần giống như Mỹ cũng thích hợp với Việt Nam. Nhà nước không can dự vào công tác điều hành, quản lý sẽ tạo cơ hội tốt cho các ngân hàng tự tái cơ cấu. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng khi xử lý nợ xấu, với người đi vay chỉ đơn giản là thay đổi chủ nợ từ ngân hàng sang Chính phủ.
Do đó, nếu ngân hàng "bó tay", Chính phủ nên can thiệp vì chắc chắn sẽ thu hồi món nợ tốt hơn ngân hàng. Thậm chí, doanh nghiệp có thể có những "thực đơn" đa dạng hơn để tái đầu tư, phục hồi sản xuất.
Trung Quốc: Cuối năm 1999, đầu 2000, nợ dưới chuẩn thực tế tại nhiều ngân hàng thậm chí còn vượt 40%. Ông Hubert Knapp, Giám đốc điều hành, Dịch vụ Tư vấn Tài chính của Ernst & Young tại Việt Nam cho biết, một yếu tố khiến Trung Quốc thành công là xử lý triệt để các khoản nợ xấu, trong đó tỷ lệ lớn là nợ ở khối doanh nghiệp Nhà nước.
Như vậy, khá tương đồng với Việt Nam, nợ của khối doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc chiếm tới 70% tổng dư nợ. Khi đó, Trung Quốc lập 4 công ty quản lý tài sản để xử lý toàn bộ nợ dưới chuẩn ước tính lên tới 670 tỷ nhân dân tệ và trao quyền ngoại lệ cho những công ty này.
Ngoài ra, Trung Quốc còn chi 40 tỷ ngân sách của năm 1998 để xóa nợ cho doanh nghiệp Nhà nước và tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Ông Hubert cho rằng với nhiều điểm tương đồng, Việt Nam nên tham khảo những biện pháp quyết liệt của Trung Quốc.
Nhật Bản: Đầu những năm 2000 hứng chịu hàng nghìn tỷ yên nợ xấu với nguyên nhân tương tự Mỹ năm 2008 đến từ bong bóng bất động sản. Ban đầu, Nhật Bản bơm hàng nghìn tỷ yên vào các ngân hàng lớn hoặc lập hàng loạt các quỹ đầu tư có vốn góp của cả tư nhân để mua lại nợ xấu.
Tuy nhiên, cả hai cách này đều chỉ như muối bỏ bể. Sau khi loay hoay nhiều phương sách nhưng vẫn thất bại, Nhật quyết định quốc hữu hóa các ngân hàng, loại bỏ các cổ đông, cho các nhà băng yếu kém nhiều nợ xấu tự sụp đổ… và đã thành công.
Malaysia: Danaharta - với thời gian hoạt động 7 năm (1998-2005), đã đạt được những kết quả ấn tượng và nổi trội so với các AMC của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi giá trị hồi phục (recovery value) của các AMC nằm trong khoảng từ 20-50% thì các khoản nợ xấu của Danaharta có giá trị hồi phục đến 58%.
Khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997 đã làm đồng Ringgit mất đến 50% giá trị, niềm tin tiêu dùng suy giảm trầm trọng. Nếu như các khoản nợ xấu tại thời kỳ ngay trước khủng hoảng dao động từ 2-3% thì khi bong bóng vỡ ra, tỷ lệ nợ xấu tăng lên hai con số, đỉnh điểm vào tháng 8/1998 khi nợ xấu lên đến 11,4%.
Đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Malaysia buộc phải lập ra 3 tổ chức để giảm nợ xấu, lành mạnh hệ thống tài chính và khôi phục lại đà tăng trưởng: Danaharta để xử lý nợ xấu, CDRC để thỏa thuận với các ngân hàng có nợ xấu, SPV để bơm vốn cho hệ thống tài chính. Trong đó Danaharta là trung tâm của kế hoạch.
Với tỷ lệ nợ xấu lên 11,4% vào tháng 8/1998, nhiệm vụ của Danaharta là đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 10%. Tuy nhiên AMC này đặt ra mục tiêu chỉ mua những khoản nợ xấu trên 5 triệu Ringit, tức là gần 70% tổng nợ xấu trong hệ thống tài chính. Điều này tương đương với khoảng từ 2.000 đến 3.000 khoản nợ xấu, một con số khả thi với năng lực xử lý của Danaharta trong thời gian 5 năm.
Với nợ có đảm bảo, giá mua được Danaharta xác định dựa vào giá trị hợp lý (FV) của tài sản thế chấp. Danaharta chỉ chấp nhận các tài sản tài chính là cổ phiếu và bất động sản.
Đối với nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản, FV được tính là 95% giá trị thị trường của bất động sản và được xác định bởi tổ chức định giá độc lập và được cấp phép. Với cổ phiếu niêm yết, giá trị hợp lý phụ thuộc vào khối lượng nắm giữ.
Khi FV cao hơn hoặc bằng với dư nợ gốc cộng nợ lãi, Danaharta mua theo giá của nợ gốc cộng nợ lãi. Còn giá trị hợp lý thấp hơn giá trị của tổng nợ gốc và lãi nhưng cao hơn hoặc bằng giá trị nợ gốc, giá mua là giá trị hợp lý. Nhưng nếu giá trị hợp lý thấp hơn giá trị nợ gốc, giá mua sẽ là giá trị nợ gốc nhưng Danaharta chỉ trả trước một khoản bằng với FV. (minh họa bằng bảng dưới đây).
Một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng giúp cho Danaharta thành công đó là bởi nó được sự hậu thuẫn đặc biệt từ chính quyền Malaysia. Vào tháng 8/1998, Luật Danaharta ra đời đem lại bộ khung pháp lý rất đặc biệt cho tổ chức này.
Đạo luật này cho phép Danaharta những đặc quyền mà không một tổ chức tài chính nào có thể có được trong lịch sử ngành tài chính quốc gia, đó là: Mua lại tài sản của các tổ chức tài chính; Bổ nhiệm lãnh đạo ở các tổ chức đang nợ; Và, có quyền tịch biên những tài sản thế chấp.
Thời báo Ngân hàng
http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/cac-mo-hinh-amc-dien-hinh-201308121719138900ca32.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,387.30 | 4,952.30 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,476.50 | 4,056.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,299.20 | 12,999.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,699.10 | 1,349.10 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 50
- Truy cập hôm nay: 1401
- Lượt truy cập: 7765931