Live Rates Powered By:
AUDUSD
NZDUSD
EURUSD
GBPUSD
USDJPY
USDCAD

Dòng vàng đang chảy về đâu?
2013-09-09 09:26:59

Trước năm 2008, khi kinh tế nước ta và thế giới tương đối ổn định, vàng không thực sự hấp dẫn đối với người dân và các nhà đầu tư. Nhưng từ 2008 trở lại đây, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, người dân và các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn để nắm giữ, vàng lên ngôi.

Giá vàng tăng chóng mặt từ 17 triệu đồng/lượng (2008) lên 47 triệu đồng/lượng (10-2012), đặc biệt hấp dẫn người dân và nhà đầu tư với tư cách là một kênh đầu tư. Các cửa hàng vàng mọc như nấm, giao dịch vàng sôi động mọi nơi, nhưng thị trường này chưa có một cách quản lý chính thống. Hệ quả việc tích trữ vàng kể cả các “cơn sốt” vàng thu hút một lượng vốn lớn đóng băng, không có lợi cho nền kinh tế và quốc kế dân sinh, yêu cầu quản lý đặt ra, Ngân hàng Nhà nước bán vàng thông qua đấu thầu nhằm quản lý và ổn định thị trường vàng.

Tuy nhiên, qua 57 phiên đấu thầu, 56,9 tấn vàng đã bán ra thị trường nhưng nhu cầu vàng của thị trường vẫn tiếp diễn trong khi giao dịch trên thị trường lại trầm lắng, khiến nhiều câu hỏi đặt ra đối với công tác quản lý và đời sống dân sinh liên quan đến mặt hàng đặc biệt này. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước - ông Nguyễn Quang Huy, xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên:Thưa Vụ trưởng Nguyễn Quang Huy, mục tiêu kiểm soát, điều tiết thị trường vàng... của Ngân hàng Nhà nước thì rõ rồi. Nhưng qua hàng chục phiên đấu giá, vàng đưa ra bao nhiêu cũng bán hết trong khi thị trường giao dịch vàng trầm lắng. Vậy theo ông, dòng vàng đang chảy về đâu?

Vụ trưởng Nguyễn Quang Huy: Qua hơn một năm triển khai thực hiện có thể khẳng định định hướng quản lý thị trường vàng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, thị trường luôn có những biến động và vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào diễn biến trên thị trường, và yêu cầu quản lý để áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đạt được mục tiêu ổn định thị trường vàng.

Thời gian qua, việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm giải quyết sự mất cân đối cung - cầu (nhu cầu vàng trên thị trường cao hơn nhiều so với cung), nên cần phải đấu thầu bán vàng ra thị trường, tăng nguồn cung. Có một lý do dẫn tới tình trạng này là từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng và cũng không nhập khẩu vàng để cung ra thị trường. Bình thường, thị trường vàng lúc cao lúc thấp, nhưng nhu cầu ở mức từ 50 tấn đến 100 tấn/năm.

Cầu vừa rồi tăng lên, còn vì lý do các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải mua vàng trả lại cho dân (theo yêu cầu tất toán của Ngân hàng Nhà nước) do đã sử dụng vàng huy động trước đây. Nhưng đến cuối tháng 3, các ngân hàng vẫn loay hoay tìm vàng trên thị trường mua để phục vụ tất toán, nhưng thị trường không có nguồn cung, vì thế phải tổ chức đấu thầu bán ra; thứ hai là nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, họ tìm mua tích trữ. Trong tổng số 56,9 tấn bán ra đó, các ngân hàng và tổ chức tín dụng mua khoảng trên 30 tấn, còn lại là người dân tự mua.

Nhìn lại các phiên đấu thầu, có thể thấy trước đây có những phiên cung ra thị trường tới 40.000 lượng vàng, còn hiện nay mỗi tuần chỉ mở hai phiên, có tuần không có phiên nào, số lượng vàng bán ra cũng giảm đáng kể từ 40.000 lượng xuống còn 20.000 lượng/phiên. Điều đó cho thấy nhu cầu vàng của thị trường đã giảm đáng kể.

Ngân hàng Nhà nước muốn chấm dứt “vàng hóa” nền kinh tế, chuyển số vàng dự trữ trong dân thành đồng vốn lưu thông cho sản xuất kinh doanh, nhưng lại tiếp tục bán vàng ra thị trường thông qua đấu thầu (tuy số lượng bán ra có xu hướng giảm). Điều này có vẻ mâu thuẫn hay còn vướng mắc nào trong quản lý vàng?

Cũng giống như “đô la hóa”, “vàng hóa” nền kinh tế bao gồm lượng vàng nằm trong các tổ chức tín dụng do các tổ chức tín dụng huy động và lượng vàng do người dân cất trữ. Đối với loại “vàng hóa” thứ nhất, do những rủi ro gắn với việc tổ chức tín dụng sử dụng vàng huy động khi giá vàng biến động, đặc biệt theo chiều tăng và rủi ro của người vay vốn bằng vàng. Ngân hàng nhà nước đã áp dụng các biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng. Tính đến ngày 30-6-2013, toàn bộ 18 tổ chức tín dụng đã chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng và mua đủ vàng để trả lại người gửi vàng khi đến hạn.

Đối với người dân, nhu cầu mua vàng cất trữ được pháp luật bảo vệ và nhu cầu này gắn với tập quán, thói quen và cũng là một kênh đầu tư có thể lựa chọn, đặc biệt là khi các kênh đầu tư khác không hấp dẫn.

Trong những tuần gần đây, nhu cầu về vàng miếng của thị trường đã giảm đáng kể. Như đã nói ở trên, việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu đưa vàng miếng ra thị trường thời gian vừa qua để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường. Khi thị trường đã ổn định, không còn sự mất cân đối về cung cầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh thích hợp với tư cách là người bán cuối cùng trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý thị trường tiền tệ và thị trường vàng, tham mưu cho Chính phủ chống “vàng hóa” nền kinh tế. Trước hiện thực người dân chưa giảm xu hướng tích trữ vàng nghĩa là còn tiếp tục“vàng hóa” không có lợi cho nền kinh tế cũng như lợi ích của chính người dân, Ngân hàng Nhà nước chả lẽ cứ xem việc đó như một tập quán mà không có động thái nào chủ động khuyến khích người dân đưa vàng vào kênh sản xuất kinh doanh?

Về nguyên tắc, chống “vàng hóa” thì phải làm cho vàng không phải là công cụ đầu tư hấp dẫn. Bản thân vàng miếng không tạo ra giá trị thặng dư, lại đọng vốn lớn. Những gì thuộc về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ tham mưu thực hiện có lộ trình, mà quản lý thị trường vàng đang thực hiện là một ví dụ. Nhưng quá trình chống “vàng hóa” cũng còn tùy thuộc vào một yếu tố khách quan bên ngoài, đó là giá vàng thế giới. Về trung hạn, khi kinh tế thế giới phục hồi tốt, giá vàng quốc tế sẽ ổn định hoặc có xu hướng giảm và điều này cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa vàng thành nguồn vốn đầu tư.

Để tránh “vàng hóa”, không thể dùng biện pháp hành chính thay đổi tập quán hay nhu cầu tích trữ vàng của người dân, mà phải dùng biện pháp kinh tế, các biện pháp khác làm cho người dân thấy hấp dẫn từ đó chủ động đưa vàng vào kênh lưu thông. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng Việt Nam được nâng lên, tiền gửi vào ngân hàng lãi suất hấp dẫn, các kênh đầu tư sản xuất kinh doanh sôi động... thì tự khắc người dân sẽ bán vàng để đầu tư hay gửi tiết kiệm, sinh lời.

Trước đây, người dân gửi tiết kiệm bằng vàng hưởng lãi và ngân hàng dùng vàng đó để quay vòng. Hiện nay, người dân gửi vàng vào ngân hàng phải trả phí, trong khi không loại trừ khả năng ngân hàng vẫn dùng vàng đó để kinh doanh sinh lời. Như vậy, lợi ích phần nhiều luôn thuộc về phía ngân hàng chứ không phải là người dân. Theo ông, cách ứng xử như vậy có khuyến khích được người dân huy động vàng phục vụ cho nền kinh tế?

Khác với hoạt động huy động vàng trước đây, hoạt động bảo quản vàng là một dịch vụ của ngân hàng, và người gửi vàng phải trả phí sử dụng dịch vụ. Các ngân hàng phải hạch toán ngoại bảng số vàng này và không được sử dụng để kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước sẽ có các quy định chặt chẽ về vấn đề này và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm.

Theo lô-gic ông vừa nói, đã qua 57 phiên đấu giá vàng với không ít vấn đề nảy sinh cần giải quyết, cả mặt được và chưa được. Trong những mặt chưa được thì nổi lên là Nhà nước quản lý được nguồn vàng nhưng chưa kiểm soát được giá vàng sát với giá thế giới. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng việc cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu trong thời gian vừa qua là một sự lựa chọn hợp lý. Đây là cách bổ sung nguồn cung cho thị trường vận hành theo cơ chế thị trường, rõ ràng, công khai, minh bạch. Toàn bộ chênh lệch giá thu được đều chuyển cho Ngân sách Nhà nước. Đấu thầu vàng không có sự bao cấp, không bù lỗ, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, và ngăn chặn khả năng đầu cơ trên thị trường vàng. Có thể nói, việc đấu thầu bán vàng miếng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường vàng trong nước, loại bỏ các cơn “sốt vàng” như đã xảy ra trước đây.

Bạn đọc phản ánh rằng, tại sao chỉ Công ty SJC được gia công vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước mà không phải là cuộc đấu thầu công khai, minh bạch lựa chọn đơn vị đủ điều kiện cung ứng dịch vụ này đáp ứng tiêu chí của Ngân hàng, trong khi chúng ta đang chủ trương chống độc quyền?

Điều này Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trả lời trước Quốc hội. Tôi xin không nhắc lại. Quá trình triển khai thực hiện trong hơn một năm qua đã cho thấy đây là sự lựa chọn đúng đắn giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội và Nhà nước, và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thể cung một lượng vàng miếng lớn ra thị trường trong một thời gian tương đối ngắn, góp phần vào quá trình bình ổn thị trường vàng.

PV:Xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn!

 

Theo Thanh Phong - Lệ Thúy

Công an nhân dân

http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/dong-vang-dang-chay-ve-dau-201309081708588909ca34.chn





Thời gian
Sydney Tokyo Hà Nội HongKong LonDon NewYork
Prices By songphucgold
We Sell We Buy
37.5g ABC Luong Bar
5,395.304,960.30
1oz ABC Bullion Cast Bar
4,483.104,063.10
100g ABC Bullion Bar
14,320.5013,020.50
1kg ABC Bullion Silver
1,718.801,368.80
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
 
     
 
  • Đang online: 94
  • Truy cập hôm nay: 1130
  • Lượt truy cập: 7764062