Giờ đây vấn đề đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra khi những biện pháp hỗ trợ của chính phủ ngừng lại? Trong khi chính phủ Mỹ đã thành công trong việc khởi động lại nền kinh tế, có những dấu hiệu đang nổi lên cho thấy guồng máy kinh tế vẫn chưa hoạt động tốt, thậm chí có thể bị trục trặc trở lại.
Chính phủ Mỹ đã sử dụng một nửa của gói kích cầu 787 tỉ đô la vào chi tiêu ngân sách và giảm thuế. Chính phủ đã thực thi chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” - có tác dụng thúc đẩy doanh số xe hơi trong mùa hè vừa qua, và cũng đã có nhiều biện pháp nâng đỡ thị trường địa ốc. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngoài việc cắt giảm lãi suất cơ bản xuống tới mức gần 0%, đã cam kết bỏ thêm 1.750 tỉ đô la Mỹ vào các chương trình đặc biệt nhằm giảm lãi suất.
Tăng trưởng nhưng còn yếu
Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg với 79 nhà kinh tế, tăng trưởng GDP quý III/2009 của Mỹ được dự báo là 3,2%/năm, trong khi tiêu dùng cá nhân cũng tăng 3,1%/năm sau khi hai chỉ số này giảm mạnh trong cả bốn quý trước. Mức giảm GDP của Mỹ trong một năm, từ tháng 7/2008 đến tháng 6/2009, theo ghi nhận của Bloomberg, là âm 3,8%, trầm trọng nhất trong bảy thập niên qua. Chris Rupkey, kinh tế trưởng của Ngân hàng Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ Ltd tại New York, nhận định: “Vào giai đoạn này, các số liệu đều cho thấy cuộc suy thoái đã kết thúc. Cuộc tranh luận lúc này tập trung vào vấn đề tốc độ tăng trưởng sẽ ra sao”.
Còn ông David Shulman, kinh tế trưởng của Trung tâm Dự báo Anderson thuộc trường Đại học California tại Los Angles nhận định: “Bệnh nhân đã ra khỏi phòng cấp cứu, nhưng vẫn còn phải điều trị tích cực. Chúng ta không biết được bao nhiêu phần của tăng trưởng là do các biện pháp kích cầu ngắn hạn, bao nhiêu phần là tự bản thân thị trường. Do đó tôi dự báo quý này là quý tăng trưởng tốt nhất trong một thời gian dài”. Ngoài những chương trình của chính phủ, nhân tố chính trong sự phục hồi là việc các công ty đã gia tăng hoạt động để khôi phục lượng hàng chứa trong kho bị suy giảm trong thời kỳ khủng hoảng - hiện tượng này có thể sẽ phai nhạt trong các quý tới.
Nhu cầu tái cấu trúc nền kinh tế
Rủi ro trong cuộc khủng hoảng hiện tại là những thay đổi cấu trúc xảy ra trong nền kinh tế đã lớn đến nỗi việc phục hồi sẽ cần nhiều thời gian hơn là khả năng duy trì các chính sách hỗ trợ phát triển của chính phủ. Một số biện pháp đối phó, chẳng hạn như giảm thuế mua nhà, có thể dẫn đến việc trì hoãn nỗ lực điều chỉnh cấu trúc của nền kinh tế.
Ý tưởng đằng sau sự can thiệp của chính phủ là để kích thích các hoạt động kinh tế, vì nếu không can thiệp, nền kinh tế sẽ bị chìm quá sâu so với thực lực của nó, hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ mọi loại hàng hóa và dịch vụ và giúp lan tỏa niềm tin rằng đất nước không bị rơi vào vòng xoáy suy thoái. Nếu vượt qua được thời kỳ sụt giảm này, nền kinh tế sẽ bắt đầu cải thiện bởi động lực tự thân của chính nó, khi các doanh nghiệp khởi động lại sản xuất, bắt đầu thuê mướn nhân công và tiến hành đầu tư trở lại.
Nhưng đó chỉ là ý tưởng. Những sự thay đổi căn bản đang xuất hiện trong nền kinh tế có thể làm chậm đà tăng trưởng trong một thời gian nữa. Mỹ cần chuyển từ nền kinh tế tiêu thụ và xây cất nhà cửa sang nền kinh tế đầu tư kinh doanh và xuất khẩu. Trong lúc đó, các ngành công nghiệp, từ tài chính, sản xuất ô tô đến báo chí truyền thông, đều phải được “tái tạo”.
Nhưng không còn lực để thực hiện tái cấu trúc
Song trở ngại còn ở chỗ, với mức thâm hụt ngân sách năm nay là 1.400 tỉ đô la Mỹ, chính quyền Obama không còn khả năng ban hành những biện pháp kích thích kinh tế mới, thậm chí duy trì các biện pháp đang thực hiện cho đến khi cuộc “tái tạo” này hoàn tất. Nhiều nỗ lực vực dậy nền kinh tế có thể sẽ hết hiệu lực. Chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” đã kết thúc, đã thúc đẩy doanh số bán xe trong mùa hè nhưng lại dẫn tới việc sụt giảm 35% doanh số xe hơi trong tháng Tám và tháng Chín.
Việc giảm thuế 8.000 đô la Mỹ cho người mua nhà lần đầu - một phần của gói kích cầu hồi tháng 2 - theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 30/11, và Quốc hội đang bàn tới việc kéo dài thời hạn này đến mùa xuân sang năm. Những chương trình khác hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm việc giúp đỡ những hộ gia đình thoát khỏi nguy cơ bị tịch thu nhà và việc kéo dài chương trình cho vay nợ có sự bảo lãnh của Cục Nhà cửa liên bang.
Các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs tuần trước đã dự tính rằng, các gói hỗ trợ của chính phủ trong lĩnh vực nhà ở đã làm giá nhà tăng thêm 5% so với trước khi được chính phủ hỗ trợ và khi chương trình này hết hiệu lực thì “mối lo ngại về giá nhà sụt giảm vẫn còn rất lớn”.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ nói rằng chương trình mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 300 tỉ đô la sẽ hết hạn trong tháng này, và chương trình mua lại cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp trị giá 1.450 tỉ đô la cũng sẽ kết thúc vào cuối tháng Ba năm 2010. Việc chi tiêu gói kích cầu 787 tỉ đô la Mỹ sẽ giảm dần vào năm tới đến năm 2011. Nhóm báo chí phi lợi nhuận ProPublica ước tính hiện còn khoảng 291 tỉ đô la chưa tiêu và 150 tỉ đô la cắt giảm thuế vẫn chưa sử dụng đến.
Và do vậy tương lai vẫn mù mờ
Tình hình kinh tế sẽ như thế nào sau khi các biện pháp kích thích này ngừng lại vẫn là điều chưa ai hình dung được. Ông Ethan Harris, nhà kinh tế trưởng về kinh tế Mỹ của Ngân hàng Bank of America - Merrill Lynch nhận định : “Các chương trình như “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” và giảm thuế cho người mua nhà lần đầu có tác dụng như là chất cafein đối với nền kinh tế”, nghĩa là tác dụng của nó sẽ tiêu tan nhanh chóng.
Theo bà Carmen M. Reinhart, giáo sư kinh tế ở Đại học Maryland, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nhiều nước trải qua khủng hoảng kinh tế đã phục hồi nhanh chóng. Nhưng đó là những nước có biện pháp mạnh hơn Mỹ trong việc đưa các khoản nợ xấu ra khỏi sổ sách của các ngân hàng.
“Chúng ta đã ngăn được đà rơi tự do, chi tiêu của hộ gia đình và hoạt động của các khu dân cư đã ổn định và biện pháp kích thích tài chính đã có hiệu quả. Vì thế số liệu kinh tế nửa cuối năm có thể phản ánh sự phục hồi” - bà Reinhart nói. Nhưng bà Reinhart, đồng tác giả với Kenneth S. Rogoff của cuốn sách “Lần này thì khác” - một cuốn sách về lịch sử khủng hoảng tài chính - vẫn lo lắng về những điều sẽ diễn ra sau này. “Vấn đề là sự phục hồi kinh tế sẽ mạnh mẽ đến mức nào, bền vững đến mức nào. Cần phải tái lập hoạt động tín dụng bình thường, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa thấy điều đó hoặc một cái gì gần giống như thế” - bà Reinhart nói.
Tác giả:Phương Huỳnh (Theo Washington Post)
Nguồn: dddn.com.vn |
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,342.80 | 4,922.80 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,439.60 | 4,039.60 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,190.50 | 12,890.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,719.50 | 1,369.50 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 433
- Truy cập hôm nay: 2508
- Lượt truy cập: 7744338