Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần tập đoàn Phú Thái cho rằng: khó khăn đối với các DN phân phối VN là rất lớn, nhất là khi chúng ta chưa có một chiến lược đồng bộ cho việc phát triển thị trường phân phối nội địa. Tuy nhiên cơ hội vẫn còn rộng mở.
Hơn một năm sau thời điểm 1/1/2009, VN mở cửa hoàn toàn cho các DN bán lẻ 100% vốn nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO, có vẻ như các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia chưa có những cuộc “đổ bộ” rầm rộ trong khi các DN phân phối trong nước đã có sự bứt phá trong đầu tư. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào ?
Các tập đoàn phân phối đa quốc gia, khi mở rộng phạm vi hoạt động đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có bước đi mang tính chiến lược. Không chỉ nhìn vào hiện tượng để đánh giá, bởi hầu hết quy mô đầu tư của các DN VN còn nhỏ lẻ. Tôi nghĩ chỉ trong một vài năm tới các tập đoàn phân phối nước ngoài có mặt ở VN sẽ triển khai hàng chục đại siêu thị trên toàn quốc.
Ông đánh giá thế nào về thị phần giữa DN phân phối trong nước và các tập đoàn phân phối nước ngoài hiện nay ?
Theo số liệu mà tôi được biết thì các tập đoàn phân phối nước ngoài đang chiếm tỉ trọng khoảng 50% trong phân phối bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng trong vòng 5-10 năm nữa tỷ trọng này có thể lên tới 70%.
Hệ thống phân phối sẽ tác động như thế nào đến ngành sản xuất trong nước, thưa ông ?
Hiện nay trên 90% DN của VN có quy mô nhỏ và vừa, với trình độ sản xuất và quy mô sản xuất còn hạn chế rất khó có thể đưa sản phẩm vào hệ thống thương mại hiện đại. Điều này sẽ tạo ra lợi thế về đàm phán thu mua của các tập đoàn phân phối lớn, khiến các DN sản xuất phải bán hàng với giá thấp hoặc gia hạn thanh toán. Trong khi đó hàng rào thuế quan đang dần được gỡ bỏ sẽ tạo điều kiện cho hàng từ nước ngoài tràn vào VN, sẽ rất khó cho các DN sản xuất.
Các tập đoàn phân phối nước ngoài khi vào VN chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Vì vậy cơ hội vẫn còn rất mở rộng với DN phân phối VN nếu họ khai thác tốt thị trường nông thôn ?
Đây là thị trường tiềm năng mà các DN phân phối VN có thể khai thác tốt bởi 70% dân số VN đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Bộ Chính trị cũng đã phát động cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN. Nhưng để khai thác hiệu quả thị trường này và đưa được hàng Việt về nông thôn là một chặng đường đầy gian nan. Nhu cầu mua sắm của nông dân rất lớn nhưng khả năng thanh toán có hạn. Nếu như không nâng cao được thu nhập cho nông dân thì sức mua vẫn chỉ là... tiềm năng. Hơn nữa, muốn đưa hàng Việt về nông thôn thì phải có được một mạng lưới phân phối rộng khắp và chuyên nghiệp.
Vì vậy rất cần có chính sách hỗ trợ về mặt bằng để xây dựng các kho và tổng kho rút ngắn các khâu trung gian, giảm chi phí, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích DN phân phối trong nước tham gia đầu tư. Trên cơ sở đó thiết lập được hệ thống hai chiều: Sản xuất từ thành thị phân phối về nông thôn và đưa hàng hoá sản xuất từ nông thôn ra thành thị. Hệ thống này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và làm cho đường đi của sản phẩm đến người tiêu dùng ngắn nhất. Đồng thời giúp tiêu thụ hàng hoá, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong lúc các DN phân phối của VN còn non yếu thì xu hướng liên doanh liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên ranh giới giữa liên doanh liên kết và thôn tính khá mong manh, thưa ông ?
Như tôi đã nói, các DN nước ngoài khi vào thị trường VN họ đều có những khảo sát và nghiên cứu rất kỹ lưỡng kênh bán lẻ hiện đại ở VN (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích...) hiện mới chiếm khoảng 20% trong hệ thống phân phối. Với một thị trường phân phối bán lẻ hiện đại còn khá sơ khai như ở VN thì các tập đoàn phân phối lớn thường chọn giải pháp xây dựng mới hoàn toàn theo một mô hình đã được chuẩn hoá. Nhưng khi bị hạn chế bởi các hàng rào kỹ thuật thì rất có thể các DN cũng sẽ tính đến khả năng liên doanh liên kết. Mục tiêu cuối cùng của các tập đoàn là khai thác tốt thị trường VN và thu đươc nhiều lợi nhuận.
Mới đây, Tập đoàn Phú Thái đầu tư vốn để xây dựng chuỗi cửa hàng Family Mart tại VN thông qua việc ký hợp đồng nhượng quyền với FamilyMart Nhật Bản. Mô hình cửa hàng 24 giờ là một mô hình tương đối mới ở nước ta và một số DN khi áp dụng đã thất bại. Liệu hướng đi mới này có khả năng giúp các cửa hàng nhỏ truyền thống trở thành các cửa hàng hiện đại, có đủ sức cạnh tranh và song song tồn tại với các chuỗi siêu thị, đại siêu thị đa quốc gia đã, đang và sẽ có mặt tại VN, thưa ông ?
Tập đoàn Phú Thái quyết tâm xây dựng và chuẩn hoá một mô hình phù hợp nhất với thị trường VN trên cơ sở kết hợp tiềm lực của DN và những kinh nghiệm lâu đời cũng như công nghệ tiên tiến của FamilyMart Nhật Bản, để từ đó phát triển hệ thống Family Mart tại VN một cách hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, khoảng gần 400.000 cửa hàng bán lẻ của VN đã và đang vấp phải rất nhiều khó khăn trước sự lấn át của các tập đoàn bán lẻ khổng lồ đa quốc gia. Tập đoàn Phú Thái quyết định đầu tư vốn để xây dựng chuỗi cửa hàng Family Mart tại VN.
Ngoài việc đầu tư một lượng vốn lớn, chúng tôi sẽ xây dựng các trung tâm đào tạo với mục đích hỗ trợ các đại lý, các cửa hàng về mặt công nghệ theo tiêu chuẩn của Family Mart Nhật Bản như: chuẩn hóa cửa hàng, chuẩn hóa đầu vào nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Family Mart cũng không cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng truyền thống bởi vì các chủng loại sản phẩm và dịch vụ tại hệ thống cửa hàng 24 giờ Family Mart VN sẽ khác đến 70% so với các cửa hàng nhỏ lẻ thông thường.
Cách đây vài năm Phú Thái đã liên kết cùng Saigon Co.op, Hapro và Satra, thành lập CTCP tập đoàn phân phối VN (VDA), nhưng dường như dự án có vẻ chậm ?
VDA thành lập với mục tiêu sẽ trở thành một đầu tàu trong lĩnh vực phân phối VN trong tương lai gần, bởi đã hội tụ được những thế mạnh của 4 nhà phân phối bán lẻ số 1 VN hiện nay. Nhưng do khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng nên tiến độ có bị chậm. Hiện tại chúng tôi đang gấp rút triển khai để trong một hai năm tới sẽ đưa vào sử dụng 15 đại siêu thị.
Vậy theo ông cần có chính sách gì đối với các DN phân phối, bán lẻ ?
Chúng tôi rất cần có sự quan tâm, trợ giúp từ phía Chính phủ. Trước hết phải tập trung vào các DN điển hình để tạo sự bứt phá thành các đầu tàu. Mặt khác cần có một quy hoạch tổng thể cho ngành phân phối, tránh đầu tư chồng chéo gây lãng phí. Tập trung vào ba vấn đề: Chính sách hỗ trợ mặt bằng; Xây dựng Luật bán lẻ; Định hướng phát triển ngành phân phối.
Bên cạnh đó cũng cần có chính sách về hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của VN. Hiện nay, Bộ Công Thương đang soạn thảo lại đề án phát triển chuỗi sản xuất - phân phối để trình Chính phủ. Nhưng ngay cả khi đề án được triển khai thì nhanh cũng phải 5 - 10 năm sau mới có thể phát huy hiệu quả. Bởi để có được một mạng lưới phân phối tốt thì cần đầu tư rất nhiều. Và nếu không có được các cơ chế khuyến khích tốt thì khó thu hút được DN tham gia.
Theo DDDNThời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 301
- Truy cập hôm nay: 3876
- Lượt truy cập: 7794283