Phương án “tự cung, tự cấp” của các tập đoàn được các chuyên gia viễn thông đánh giá là khả thi và hiệu quả.
Đâu là lối thoát cho doanh nghiệp (DN) viễn thông khi họ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không đạt được thoả thuận cuối cùng về mức giá thuê cột điện.
Thời hạn mà cơ quan quản lý dành cho việc thương thảo giá thuê cột đã kết thúc sau 1 năm ròng tranh luận. Đến thời điểm hiện tại, những cuộc đàm phán về giá thuê cột giữa EVN và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) vẫn rơi vào bế tắc và chưa đạt được thoả thuận cuối cùng. Trong tuần này, Viettel sẽ có cuộc đàm phán cuối cùng với EVN. Tuy câu trả lời vẫn là ẩn số, nhưng những động thái của Viettel cho thấy tập đoàn này đã chuẩn bị cho trường hợp đàm phán bị đổ vỡ.
Tự dựng cột riêng...
Trong một diễn biến cũ của quá trình đàm phán, có nguồn tin cho rằng, Viettel đã họp bàn kế hoạch với VNPT chung nhau dựng cột. Cụ thể, hai bên dự tính bỏ ra 4.000 – 5.000 tỷ đồng cho khoảng trên 2 triệu cột điện để treo cáp thông tin. Trong đó, VNPT cũng đã yêu cầu các cơ sở của VNPT ở các tỉnh, thành phố cùng với các chi nhánh của đối tác Viettel xác định số lượng cột cần xây dựng để đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới, phương án hợp tác, cũng như chia sẻ hạ tầng.
Từ tháng 10/2009, ở một số địa phương đã xuất hiện cột điện của Viettel ngay bên cạnh cột của EVN. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện Viettel đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng 250.000 cột để treo cáp.
Theo tính toán của Viettel, chi phí dựng cột chỉ mất khoảng 3,6 triệu đồng/cột (thấp hơn mức tính toán của EVN khoảng 4 lần). Đấy là chưa kể khi dựng cột xong, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu lại được một phần vốn nhờ việc cho thuê lại với các doanh nghiệp khác không có cột treo cáp.
Hiện riêng Viettel và VNPT thuê khoảng 2 triệu cột điện của EVN. Nếu không đàm phán được với EVN về giá thuê, Viettel sẽ phải tự đầu tư xây cột mới, với kinh phí bỏ ra không dưới 4.000 tỷ đồng.
“Nếu cả 7 doanh nghiệp viễn thông đều tự đầu tư xây cột, thì sẽ tốn kém tới 20.000 - 30.000 tỷ đồng. Nhưng nếu các doanh nghiệp cùng nhau dựng chung cột và cùng khai thác, thì chi phí là rất rẻ và chỉ 1 năm là hoàn vốn và có lãi”, một lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông đề xuất và cho rằng, doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề nan giải là thủ tục cấp phép, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị (đây lại là “thế mạnh” của EVN trong hàng chục năm nay).
Phương án “tự cung, tự cấp” của các tập đoàn được các chuyên gia viễn thông đánh giá là khả thi và hiệu quả. Bởi nếu chỉ 2 - 3 doanh nghiệp viễn thông lớn xây cột để mắc dây và cho những doanh nghiệp viễn thông nhỏ còn lại thuê cột, thì sẽ có lãi. Nhưng vấn đề mà các doanh nghiệp phải đạt được thoả thuận với nhau lại không đơn giản. Đó chính là huy động vốn đầu tư ban đầu và quản lý, khai thác, kinh doanh như thế nào? Bởi về bản chất, giữa các doanh nghiệp viễn thông luôn có sự cạnh tranh khốc liệt, mâu thuẫn về quyền lợi. Vì thế, nhiều khả năng sẽ có hiện tượng 3 - 4 cột điện mọc lên bên vệ đường.
… hay chờ giá thành của cơ quan quản lý?
Hiện các doanh nghiệp vẫn “bình chân như vại”, vì theo các doanh nghiệp viễn thông, giữa Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thống nhất về việc giữ nguyên hiện trạng, không tháo dỡ cột điện để chờ quyết định cuối cùng của cơ quan quản lý.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), do giá thuê cột điện không nằm trong danh mục Nhà nước cần quản lý, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ vào cuộc.
Một phương án được tính đến là giá thuê cột điện sẽ được xem xét trên cơ sở giá thành. Giá thành của việc thuê cột điện sẽ được các chuyên gia tính toán dựa trên những cơ sở, quy định của pháp luật có tham khảo thực tế thị trường và ý kiến của doanh nghiệp viễn thông.
Quan điểm của cơ quan quản lý là, về lâu dài, cần có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng viễn thông. Dự kiến thông tư này, do Bộ Công thương chủ trì, sẽ hoàn thành vào cuối quý II/2010.
Một phương án khác mà các chuyên gia cho rằng, cả cơ quan quản lý dẫn doanh nghiệp cần phải tính toán trong dài hạn chính là xu hướng tăng cường việc ngầm hóa cáp viễn thông. Hà Nội đang có rất nhiều tuyến phố ngầm hoá cáp viễn thông và có sự hỗ trợ chi phi từ ngân sách địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhiều lần ủng hộ việc ngầm hoá này. Biết đâu đây chính là “lối thoát” cho các doanh nghiệp viễn thông?
Theo Hữu Tuấn
Báo Đầu tư
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 201
- Truy cập hôm nay: 4298
- Lượt truy cập: 7794705