Thế giới ngập trong nợ nần – hậu quả đến đâu?
2010-05-26 08:22:13
Tiếp nối nỗi hoảng sợ do khủng hoảng nợ của Hy Lạp, tin tức về nợ của một loạt nước trên thế giới – từ các nước phát triển đến các nước đang nổi, lan tỏa nhanh chóng, báo hiệu một triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới. Những cảnh báo về nguy cơ một “cuộc khủng hoảng nợ” bắt đầu rộ lên.
36.000 tỷ USD hay là hơn?
Thế giới những ngày này dõi theo từng “nhất cử nhất động” trên thị trường Hy Lạp - nước hiện đang phải gánh một núi nợ khổng lồ - lên tới 300 tỷ euro, chiếm 124 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2009, thuộc loại nhiều nhất tại châu Âu. Nhưng như một cái nhọt lâu ngày cũng phải bung ra, những tin tức về nợ công không ngừng tỏa đi từ châu Âu: tổng giá trị nợ của Italia - nước đang đứng bên bờ vực khủng hoảng, chiếm 118% GDP; Đức - nền kinh tế mạnh nhất khu vực đã nợ tới 1.700 tỷ euro, tăng 7,1% và vượt quá mức 70% GDP - mức tăng cao thứ hai kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nợ công của Pháp cuối năm 2009 đã lên xấp xỉ 1.500 tỷ euro, tương đương với 82,6 % GDP. Một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Aixơlen, Ailen cũng đang lâm tình cảnh nợ nần bi đát. Tổng giá trị nợ của khu vực sử dụng đồng Euro chiếm 84% GDP của khối và ngày càng khiến cộng đồng quốc tế lo lắng. Năm 2009, nợ trung bình của cả Liên minh châu Âu (EU) chiếm 73% GDP của khối này, trong khi nợ của 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro là 78% GDP. Trong khi đó, con số nợ của những nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng làm giật mình bất kỳ ai: Số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 10/5 cho thấy tổng nợ của nước này chiếm tới 229% GDP, đứng đầu trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Kinh tế (OECD), và có xu hướng tiếp tục tăng trong 5 năm tới. Với Mỹ, nước này hiện là con nợ lớn hàng đầu thế giới với tổng số nợ lên tới 13.000 tỷ USD, chiếm khoảng 93% GDP. Dự kiến thâm hụt ngân sách của nước này năm 2011 sẽ đạt 1.600 tỷ USD và tổng giá trị nợ của Mỹ sẽ chiếm trên 50% GDP. Còn Canada, nếu chia bình quân, mỗi người dân nước này nợ hơn 40.000 USD, đứng đầu trong số 20 nước phát triển trên thế giới và là mức cao nhất trong lịch sử. Trong một báo cáo mới công bố, Goldman Sachs cho biết tính đến cuối năm 2009, tổng giá trị nợ công của Trung Quốc là 15.700 tỷ Nhân dân tệ, chiếm 48% GDP của nước này, trong đó chủ yếu là nợ của Chính phủ Trung ương (chiếm 20% GDP) và nợ của chính quyền địa phương (chiếm 23%). Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách khổng lồ, chiếm hơn 10% GDP trong năm 2010. Còn Ấn Độ, một nền kinh tế lớn đang lên ở châu Á, cũng đang đối mặt với tình trạng nợ công nặng nề. Tỷ lệ nợ so với GDP năm 2009 lên tới 88,9% và mức thâm hụt ngân sách năm 2010 dự kiến là - 6,8%. Tiết lộ mới đây của tạp chí The Economist cho thấy tới tháng 2/2010, tổng giá trị nợ của tất cả các nước trên thế giới đã vượt qua mốc 36.000 tỷ USD – con số này hiện giờ chắc không dừng lại mốc đó. Trước đó, theo thống kê của cơ quan xếp hạng tín dụng Moodys, từ năm 2007-2010, nợ công toàn cầu sẽ tăng lên khoảng 15.300 tỷ USD, trong đó 80% của các nước thuộc nhóm G7. Sẽ đến đâu? Nợ công chồng chất không chỉ ở các nước đang phát triển mà thậm chí ở các nước phát triển còn khủng khiếp hơn nhiều. Các nước – giàu cũng như nghèo, đã vay nợ với tốc độ chóng mặt do suy thoái khiến thu thuế giảm, trong khi các khoản chi cứ tăng vùn vụt vì hoạt động giải cứu, hỗ trợ thất nghiệp và những nỗ lực kích thích kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick đã bày tỏ lo ngại nhiều nước trên thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng nợ giống như cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp hiện đang phải đối mặt. Ông Zoellick đã cảnh báo hiểm họa khủng hoảng này từ tháng 1/2010, khi nợ ở các nước đều tăng cao. Hiện nguy cơ này thực sự đã trở thành vấn đề toàn cầu khi các chủ nợ ở châu Âu bắt đầu thẩm định lại nguy cơ vỡ nợ của các nước vay nợ. Hồi cuối tháng 3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo trong vòng ba tháng tới, tức là đến tháng 6/2010, chính phủ các nước phải chấp nhận công bố kế hoạch cắt giảm nợ và thâm hụt ngân sách khổng lồ, nếu không muốn chìm sâu hơn trong rắc rối. OECD - diễn đàn về chính sách của 30 nước phát triển hàng đầu - cho rằng các nước phải bắt đầu dừng các gói kích thích kinh tế trong năm 2011 để giảm thâm hụt ngân sách đang ở những mức cao kỷ lục và gây ra nợ nần trầm trọng. OECD dự đoán mức nợ của các nước thành viên tổ chức này sẽ vượt quá 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2011, cao hơn khoảng 30% so với mức nợ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. OCED cảnh báo: "Nếu không hành động mạnh tay, các khoản nợ, vốn đã ở mức cao, sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn ở một số nước trong đó có Nhật Bản, Mỹ và Anh". IMF dự kiến tổng nợ của chính phủ các nước G7 (trừ Đức và Canađa) sẽ tăng từ mức trung bình khoảng 75%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước hồi cuối năm 2007 lên tương ứng khoảng 110% GDP vào cuối năm 2014. Năm nay, tỷ lệ nợ trung bình tính tương đương với GDP của các nước giầu nhất thế giới dự kiến sẽ lên tới mức như năm 1950, do chi phí trả lương hưu và chăm sóc sức khỏe gia tăng. IMF cho rằng các nước giàu sẽ phải cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, và chỉnh đốn các khoản tiền trợ cấp hưu bổng và sức khỏe để giảm nợ trong năm sau. Theo ước tính của IMF, đến năm 2014, tại hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, mức nợ của chính phủ sẽ cao hơn mức GDP thường niên. Đây là tỷ lệ nợ so với GDP cao nhất kể từ những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vừa công bố một báo cáo nghiên cứu, trong đó lưu ý rằng các nước công nghiệp hóa đang đánh giá thấp vấn đề nợ công và đối mặt với thực trạng nghiêm trọng hơn những gì phản ánh qua số liệu thống kê chính thức, do phải chi tiêu nhiều hơn cho lớp dân số già. Nghiên cứu của BIS cũng cảnh báo, nếu không thay đổi các chính sách hiện nay, vào năm 2020, nợ công sẽ tăng lên mức 300% GDP tại Nhật Bản, 200% tại Anh, và 150% tại Bỉ, Hà Lan, Ailen, Hy Lạp, Italia và Mỹ, đồng thời đe dọa nghiêm trọng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế. Theo các nhà phân tích kinh tế, những khoản nợ công khổng lồ ngày càng lan rộng ra nhiều nước làm cho tình hình kinh tế thế giới, vốn đã bắt đầu hồi phục nhưng chưa bền vững, có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái mới. Sau cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, thu ngân sách chính phủ sẽ thấp hơn, trong khi chi ngân sách lại gia tăng. Điều này khiến mục tiêu cân bằng ngân sách trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn, trừ khi các chính phủ đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời để sửa chữa và bình ổn tình hình tài chính. |
Theo DĐDN |
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Slideshow
Vàng Ngọc Thanh
Lễ trao giải thưởng vàng-đá quý NTGOLD
© 2011 Copyright By Ngoc Thanh songphucgold. All Rights Reserved.
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 50
- Truy cập hôm nay: 4280
- Lượt truy cập: 7800407