Về sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2, chúng ta cần phải nhìn nhận như thế nào, thưa giáo sư?
Thực ra, bài học Sông Tranh rất quý với chúng ta vì nó cho thấy rằng, mình uống thuốc này tưởng bổ hóa ra lại bị dị ứng.
Trước tiên phải khẳng định với nhau rằng, cái gì xảy ở Sông Tranh 2 thì không nên phủ nhận ví như ở Sông Tranh 2 đã xảy ra động đất kích thích liên tục từ khi tích nước nhưng khi thiết kế thì người ta lại đánh giá động đất kích thích bằng 0. Họ cho là dưới 1 tỉ m3 nước và ở đây không có động đất kích thích nhưng khi tích nước thì có động đất kích thích, tức xảy ra ngoài tính toán.
Người dân thì hốt hoảng, lo lắng vậy mà lại bảo động đất là không đáng lo thì ai nghe được. Vì các anh ở Hà Nội, không thấy được cảm giác cái ban thờ, chiếc cốc nó nhảy dựng đứng lên, lăn qua lăn lại rơi xuống đất, rồi tường nứt toác ra thì làm sao hiểu được người dân ở đây đang lo sợ đến mức nào. Hiện tại chúng ta phải thảo luận đi vào thực chất, không nên ông nói gà, bà nói vịt và cãi vã nhau làm mất phương hướng, không giải quyết được cái gì cả.
Giáo sư đánh giá như thế nào về hiện tượng đứt, gãy xảy ra tại Sông Tranh 2?
Đứt gãy tại Sông Tranh 2 trước mắt không tạo ra nguy hiểm bằng việc xây đập trên nền đá granit. Đá granit đúng là rất cứng, nhưng tiếp xúc với nước sẽ tạo thành cao lanh, mà cao lanh thì trắng, mềm, trơn. Chỉ cần một mùa, các tảng granit có thể thành các cục nhỏ, nát ra. Thực tế hiện trường, trượt lở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 rất là nhiều, thung lũng khu vực rất to chứng tỏ đá đã bị phá hủy rất mạnh.
Động đất kích thích ở Sông Tranh 2 cũng không giống với hồ Hòa Bình, Sơn La… vì ngoài áp suất cột nước còn là do cấu tạo địa chất phức tạp nên rất khó dự đoán.
Vậy đây có phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “vượt ra ngoài dự báo của thiết kế” ở Sông Tranh 2 hay không, thưa giáo sư?
Tại Hội thảo đó, có 2 thông tin được đưa ra là: Có đứt gãy đi qua thân đập tức là có đứt gãy dưới nền móng thân đập và lúc khoan khảo sát có hiện tượng mất nước tức là dưới thân đập có lỗ hổng. Trong trường hợp này, khi thiết kế, người ta tính động đất kích thích thường chỉ tính đến áp suất của cột nước. Tuy nhiên, động đất kích thích ở Sông Tranh 2 lại lớn dần lên là bởi vì nó liên quan đến các phát hủy kiến tạo bởi nước vẫn đọng theo các đứt gãy xuống sâu hơn và xuống càng sâu thì áp suất này nó biến đổi mạnh hơn, tạo nên các động đất kích thích.
Theo giải thích của giáo sư thì nguy cơ ở Sông Tranh 2 đang ngày một tăng lên?
Ở Sông Tranh, ngoài cột nước ra thì còn có quá trình thấm nước theo các đứt gãy phát hủy kiến tạo. Khi tôi đo nền nứt ở Sông Tranh thì thấy, các vết nứt này chạy theo phương 160o có nghĩa là gần hướng Bắc – Nam và khe đứt cắt là chạy theo hướng Đông – Tây có nghĩa là hiện nay nó đang bị ép về hướng Bắc – Nam và giải thích theo khoa học thì đập Sông tranh đang bị dồn ép theo hướng Bắc – Nam và nó cho thấy trấn tiêu nó nằm rất gần.
Có thể hình dung như thế này, nếu động đất 8 độ richter ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) thì Hà Nội sẽ chịu tác động nhẹ thôi nhưng ở đây, chỉ 5 độ richter thôi thì sóng truyền đến sẽ mạnh hơn. Về mặt khoa học, khi động đất xảy ra thì cái nguy hiểm là đập sẽ rung theo một tốc độ riêng, nước riêng, đá cũng riêng và nó làm cho khối đập rời ra, tách dần ra. Nó giống như việc chúng ta đóng cái đinh vào tường, nếu rút thẳng ra thì chắc chắn không được nhưng nếu dùng tay lắc mạnh thì lại rất dễ dàng.
Việc ông Nguyễn Tài Sơn - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế công trình - thản nhiên công bố Thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất cấp 9 với gia tốc nền 350 cm/s2 là sự tùy tiện, thể hiện sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng người nghe. Ở đây, ông Sơn không hiểu một điều là đập có thể trôi do cấu trúc nền móng, chứ không phải do vỡ thân đập.
Có nghĩa dù không có động đất ở Sông Tranh thì cũng có thể dẫn tới trôi đập, thưa giáo sư?
Nguy cơ trôi đập Sông Tranh 2 tất nhiên ở thì tương lai, chứ không phải ở thì hiện tại nhưng nguy cơ đó đã lồ lộ ra trước mắt. Họp Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, nhiều người cứ nói đập không thể nứt, rồi động đất chỉ có thể lên 5,5 độ richter. Tôi cho rằng, đó là tập trung cãi ở chỗ không thật quan trọng. Bởi nếu xây đập trên nền granit, không cần động đất vẫn có khả năng nền móng bị yếu dẫn đến trôi đập.
Bây giờ vào thủy điện Sông Tranh 2 đã thấy hai vai núi giữ hai bờ đập thủy điện bắt đầu có hiện tượng sạt, do đá granit ở vai bắt đầu tác dụng với nước và vỡ vụn ra. Chủ đầu tư đã phải gia cố đá trong rọ sắt đắp lên chỗ bị sạt. Đập bê tông có thể rất chắc, nhưng nguy cơ hai vai đập sạt thì thân đập không còn điểm tì, có thể trôi. Mà đập trôi thì hậu quả không khác gì vỡ đập cả. Tôi cho rằng chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào nguy cơ này.
Nứt nẻ của đá móng đập, đứt gãy với cấu trúc mặt trượt có thể xác định hướng chuyển dịch
Nói như giáo sư có nghĩa là những nỗ lực khắc phục tại Sông Tranh 2 thời gian vừa qua không có tác dụng?
Sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 không chỉ nằm ở độ bền vững của thân đập bê tông, mà còn nằm ở nền móng công trình. Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước gần như muốn lờ đi vấn đề này. Cũng có thể các nhà xây dựng giỏi về bê tông cốt thép nhưng không giỏi về đá, về kiến tạo, về biến dạng địa chất nên không thấy hết sự nguy hiểm.
Trên thế giới cũng khó tìm được các nhà xây dựng dám liều xây dựng đập trên đới cà nát của đứt gãy đang hoạt động phát triển trong đá granit. Ở đây cũng cần nói rằng, các tai biến đập trên thế giới 43% nguyên nhân rơi vào cấu trúc nền móng.
Sau một loạt những sự cố tại các dự án thủy điện xảy ra thời gian vừa qua, có rất nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của những vụ việc đó là do khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án và giám sát thi công tại các công trình thủy điện ở nước ta có vấn đề. Xin giáo sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Đúng như vậy. Hết Đắkrông 3 (Quảng Trị) đến Sông Tranh 2 (Quảng Nam) gặp sự cố và giờ là Đăk Mek 3 (Kom Tum) vỡ vì một cú va chạm của xe tải, chất lượng các công trình thủy điện ở nước ta đang có vấn đề.
Thực ra, không phải đến tận bây giờ mới có hiện tượng vỡ đập mà trong quá khứ cũng từng có những vụ việc tương tự, vấn đề là kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, tính chất và quy mô của vấn đề đó ngày càng lớn. Vì kể từ lúc nước ta chuyển sang nền kinh thị trường, người ta ai cũng thích tiền, đôi lúc vì lợi ích nhóm mà bỏ qua nhiều khâu kỹ thuật để thu được tiền một cách nhanh nhất. Nhà đầu tư biết, người thi công cũng biết và người nhận kết quả đó cũng biết nhưng vì quyền lợi, lợi ích nhóm mà bỏ qua những khâu cần bảo đảm kỹ thuật. Hiện nay Việt Nam đang xảy ra yếu tố đó”
Xin giáo sư nói rõ hơn về vấn đề này?
Thực tế ở Việt Nam có câu chuyện thế này, khi tôi chấm đây là địa điểm công trình rồi thì mới đề nghị tiến hành khảo sát, nhưng khi tôi khảo sát xong và đề nghị thay đổi địa điểm công trình thì người ta sẽ có động tác thuê nhóm khác ngay. Đây là vấn đề có tính nguy hiểm lâu dài vì đó là trung thực trong khoa học nhưng ở Việt Nam thì nó lại đang rất thiếu.
Một điểm nữa, trong quá trình thi công, người ta đã có số liệu cả rồi nhưng vấn đề là họ có thực lòng hay không, có dám làm liều hay không? Ngay như một nhà máy thủy điện anh cứ tưởng chủ đầu tư, nhưng trong đó có những người tham gia cổ phần đầu tư thì anh không thể biết được, có quan chức chính quyền tham gia hay không. Nếu như quan chức chính quyền cũng có tiền đầu tư trong đó thì nó lại phức tạp hơn nữa. Do đó, vấn đề ở đây còn xoay quanh câu chuyện thành phần những người tham gia đầu tư, nó không đơn giản là sự thật mà là sự rích rắc của quá trình đầu tư và vì quyền lợi ích của từng nhóm.
Theo giáo sư, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần phải làm gì?
Tôi cho rằng, cần phải có sự vào cuộc của pháp luật và dù vấn đề này chưa có tiền lệ thì chúng ta cũng cần phải xây dựng tiền lệ pháp luật trong khoa học chứ không thể tuỳ tiện được. Trước kia, trong nền kinh tế bao cấp, cái gì cũng là của Nhà nước nên phải bảo vệ, vì Nhà nước sinh ra, Nhà nước đầu tư vốn nhưng giờ chuyển sang kinh tế thị trường, nó làm nhiều vấn đề méo mó. Vì chạy theo tiền, theo cơ chế thị trường nên nó đã tạo ra cái mâu thuẫn xã hội giữa cái chủ thể Nhà nước và cái đồng tiền cá nhân.
Ví dụ như Đăk Mek3 chẳng hạn bảo là đầu tư 200 tỉ nhưng chưa chắc là đã đầu tư hết 200 tỉ. Họ sướng họ nói lên thế thôi bởi với xi măng như thế, đất như thế thì có khi chỉ vài chục tỉ mà thôi.
Hiện nay mà nói, pháp luật cần phải duy trì biện pháp quản lý và khoa học phải vào cuộc làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các bên liên quan. Anh muốn làm, muốn bảo đảm kỹ thuật thì cũng phải theo các quy định của pháp luật. Nói gì thì nói, anh gây ra động đất bởi thực tế động đất kích thích ở Sông Tranh 2 sinh ra sau khi tích nước thì anh phải chịu trách nhiệm. Bây giờ việc đã rồi nhưng cần phải xem xét trách nhiệm vì đó là bài học kinh nghiệm còn vấn đề xử lý ai là chuyện của pháp luật. Nhưng rõ ràng cần phải rút kinh nghiệm để làm những cái khác.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn trước mắt, mà cụ thể ở Sông Tranh 2 cần phải có những biện pháp cấp bách gì thưa giáo sư?
Trước mắt ở Sông Tranh 2 là cần phải có một hợp đồng bảo hiểm nếu xảy ra sự cố. Bây giờ, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước (chứ không phải cơ quan thông thường), Bộ Xây dựng và Hội Địa chất công trình công bố là an toàn nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bảo không yên tâm tức là có cái lý của nó. Như tôi bay từ Hà Nội vào Sài Gòn thì họ phải bảo hiểm cho tôi, nếu máy bay rơi thì tôi phải được bảo hiểm thì giờ công trình mà anh làm nó là một mối hiểm họa thì anh phải bảo hiểm, như thế dân tình họ mới yên tâm được.
Nếu giờ được bảo hiểm, tôi là dân Sông Tranh 2, tôi chết tôi được 4 tỉ đồng con tôi được 8 tỉ đồng thì dân chắc cũng chẳng bỏ đi đâu. Nhưng tôi thấy, việc giải quyết các vấn đề ở Sông Tranh 2 vừa rồi rất lúng túng và chúng ta không đi vào giải quyết cái cụ thể. Ở Sông Tranh 2 có nguy cơ thật, có phá hủy thật, có di chuyển thật và đó là những số liệu khoa học, có đứt gãy là sự thật chứ không thể nói tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế kia được.
Tôi cho rằng, cần phải có bảo hiểm ở Sông Tranh 2 tức là phải có một cam kết chính trị và kinh tế với người dân. Nó sẽ không vỡ ngay đâu nhưng cần phải theo dõi sát sao, khi nào có biến động thì phải có phương án xử lý ngay. Còn trước mắt thì động đất phải bồi thường nhà cửa, ký bảo hiểm cho dân.
Nhưng về mặt khoa học, kỹ thuật giáo sư thấy thế nào?
Về mặt này, chủ đầu tư, các cơ quan cần phải trả lời và giải thích cho dân hiểu tại sao động đất kích thích ở đây là dài và nhiều như vậy. Chỉ khi nào làm được điều này thì anh mới tìm ra được vấn đề còn không thì cứ cãi chày, cãi cối mãi. Anh bảo đá móng Sông Tranh 2 là rất cứng thì tôi có bảo là nó không cứng đâu nhưng sau khi bị tác động đứt gãy, nó bị phá ra thành từng khối, khi nước nó xuyên vào và làm phong hóa, ở đây không phải là ngày 1 ngày 2 mà đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, giờ nó xuống sâu và khi anh xây dựng công trình, anh mới chỉ hớt được cái mặt trên còn ở dưới thì chưa hớt được. Thực tế, ở Sông Tranh 2 đã có suối nước nóng trào lên rồi, có nghĩa là đã có sự giao lưu giữa nước dưới sâu và bề mặt.
Vấn đề của Sông Tranh 2 là nền móng không vững. Tôi không phải chuyên ngành về bê tông, cốt thép nhưng tôi tin khi Hội đồng Nghiệm thu nói rằng có đứt bê tông, cốt thép ở Sông Tranh 2 thì có nghĩa là có.
Còn quyết định không tích nước ở Sông Tranh 2, theo giáo sư đây có phải là một giải pháp lâu dài không?
Ở đây có một vấn đề, khuyết điểm và cũng do kinh tế là Sông Tranh 2 đã không làm cửa xả đáy nên giờ xảy ra sự cố, Sông Tranh 2 đã không có cửa xả đáy để xả nước đi và mực nước thấp nhất luôn luôn là 140m, nhưng lũ về sẽ lên 162m, thậm chí 175m. Chúng ta vô phương cứu chữa.
Quan điểm của tôi là cứ cho nó lên cao xem tình huống nó xảy ra khi không có bão, có lũ như thế nào chứ để lúc xảy ra, vừa lo chống bão, vừa lo chống lũ,… thì tai họa sẽ khó tưởng tượng. Chỉ riêng động đất không, ở một nơi khác không có công trình thủy điện, 4,6 độ richter có thể chịu được nhưng ở Sông Tranh 2 lại khác, nó như “quả bom” tỉ m3 nước mà không gỡ được.
Vậy chúng ta có nên chấp nhận “thà một lần đau” phá đập để tránh các nguy cơ không, thưa giáo sư?
Thực ra cũng có nhiều người bảo phá nhưng thực tế phá cũng khó lắm chứ, cũng mất bao nhiêu tiền.
Nói như giáo sư, có nghĩa chúng ta, mà cụ thể là người dân ở Sông Tranh 2 phải chấp nhận sống với nguy cơ?
Theo tôi, vẫn còn giải pháp. Trên Sông Tranh 2 đang có Sông Tranh 1 và dưới còn có Sông Tranh 3 đang xây. Vì vậy, cần tính toán cơ chế vận hành hồ chứa thật hợp lý Sông Tranh 1 và 3 có thể “gánh” cho Sông Tranh 2. Đặc biệt, Sông Tranh 3 đang xây, cần tính xem có thể gia cố thân đập cũng như chiều cao để có thể chịu được, ngăn nước xuống hạ du ngay cả khi đập Sông Tranh 2 trôi. Lâu dài, tôi cho rằng cần tính lại việc xây đập thủy điện trên nền đá granit, bởi thủy điện Lai Châu cũng được xây trên nền đá này. Không cẩn thận, nó sẽ lặp lại đúng câu chuyện của Sông Tranh 2.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi?
Theo Đức Thanh
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,558.60 | 5,058.60 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,620.10 | 4,120.10 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,759.20 | 13,259.20 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,770.90 | 1,370.90 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 163
- Truy cập hôm nay: 1788
- Lượt truy cập: 7792195