Đứng thứ 17/18 ngành có vốn đầu tư FDI
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 2/2013, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cả nước thu hút 170 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 468 triệu USD. Kết quả thu được trong việc thu hút và sử dụng vốn FDI vào giáo dục và đào tạo còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Quy mô tính trung bình trên một dự án còn quá thấp (khoảng 2,8 triệu USD), số dự án đầu tư quá ít (170/14.100dự án đầu tư nước ngoài), đứng thứ 17/18 ngành, lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Và phân bố mất cân xứng
Điều đáng nói, các dự án chủ yếu tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, chưa có một dự án FDI vào dịch vụ giáo dục được thực hiện ở nông thôn. Tính riêng các dự án FDI giáo dục – đào tạo tại hai thành phố này đã chiếm tới 93,3% tổng vốn đăng ký.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh có 83 dự án với tổng vốn đầu tư 204,5 triệu USD, chiếm 48,8% về số dự án và chiếm 43,6% về tổng vốn đầu tư; Hà Nội có 58 dự án với 233 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 34,1% tổng số dự án và chiếm 49,7% về tổng vốn đầu tư.
Thêm vào đó, ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, mật độ dân số ngày càng tăng vì vậy giá tiền thuê đất cũng ngày càng leo thang, dẫn tới chi phí xây dựng dự án sẽ tăng. Mặt khác, nếu ở hai thành phố lớn này ngày càng xuất hiện nhiều các trung tâm đào tạo của cả ở trong và ngoài nước sẽ dẫn tới nguy cơ nhu cầu thị trường bị bão hòa. Trong khi đó, ở vùng nông thôn, với một lực lượng lao động dồi dào có nhu cầu lớn về giáo dục, thì số dự án đăng ký cấp giấy phép đầu tư còn ít.
Số liệu FDI trong lĩnh giáo dục đào tạo phân theo loại hình cơ sở giáo dục
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong 170 dự án đang có hiệu lực, số lượng các trung tâm đào tạo ngắn hạn chiếm số lượng lớn nhất, với 103 dự án, chiếm 42,5% về tổng vốn đăng ký; cơ sở giáo dục phổ thông có 20 dự án, chiếm 33,2%; cơ sở giáo dục mầm non có 34 dự án, chiếm 9,4% về tổng vốn đầu tư. Điều đáng nói là cơ sở giáo dục đại học chỉ có 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 57 triệu USD chiếm 12,1%, còn cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng ít không kém với 9 dự án, có tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD. Các cơ sở khác chỉ có 1 dự án duy nhất.
Về đối tác đầu tư, các nước có nền giáo dục - đào tạo hiện đại như: Singapore, Australia, Đài Loan, Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhiều dự án dạy nghề, dạy ngoại ngữ, dạy phổ thông tại Việt Nam.
Lợi ích nhiều, sao thu hút ít?
Thực tế, khi đón làn sóng FDI vào giáo dục cũng có nghĩa là nền giáo dục trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Chính sự cạnh tranh này buộc nền giáo dục trong nước sẽ phải có những thay đổi nhất định để không bị tụt hậu.
Đặc biệt, khi phần lớn các dự án là của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Anh, Australia... là những nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới, có bề dày lịch sử lâu đời. Bằng cấp của các nước này được công nhận và được coi như chuẩn mực cao trên toàn thế giới.
Với nhiều lợi ích như trên, câu hỏi đặt ra là vì sao lượng vốn FDI vào Việt Nam lại èo uột như vậy?
Trước tiên là do sự bất nhất trong văn bản quy phạm pháp luật cùng điều điều chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo có yếu tố nước ngoài, như: Nghị định 06/2000/NĐ-CP ngày 06/03/2000 điều chỉnh hoạt động của cơ sở giáo dục đào tạo có vốn FDI; Nghị định 18/2001/NĐ-CP ngày 04/05/2001 quy định về lập và hoạt động của các cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài không nhằm mục đích lợi nhuận tại Việt Nam và Nghị định 165/2004/NĐ-CP áp dụng cho các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục (chủ yếu là hợp tác phát triển). Quy định như vậy khiến cho việc phân định phạm vi hoạt động được phép của các cơ sở giáo dục đào tạo có vốn FDI cũng như cơ quan quản lý các cơ sở này rất phức tạp, nhiều trường hợp không vận dụng được hoặc vận dụng không nhất quán.
Hơn nữa, Nghị định 06/2000/NĐ-CP được ban hành năm 2000 căn cứ vào Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến nay đã được thay thế bằng Luật Đầu tư áp dụng chung cho cả đầu tư trong nước và nước ngoài.
Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định phân cấp triệt để việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các địa phương. Do vậy, trình tự, thủ tục đầu tư cũng đã thay đổi. Ngoài ra còn có những quy định riêng cho lĩnh vực dạy nghề.
Để thống nhất quản lý cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, cần rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo hướng đưa các quy định đặc thù chuyên ngành giáo dục đào tạo đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài vào một văn bản để vừa bao quát hết các loại hình vừa thuận tiện cho việc áp dụng.
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn thủ tục, kêu gọi đầu tư vào các dự án giáo dục, đào tạo cũng đang kém và chưa được đầu tư quan tâm thích đáng. Để có cơ sở kêu gọi đầu tư vào dịch vụ giáo dục, trước mắt cần nghiên cứu toàn diện về nhu cầu học tập ở từng cấp học, từng ngành và từng phương thức đào tạo, từ đó có quy hoạch cho mạng lưới các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo.
Yêu cầu của quy hoạch này là chỉ ra nhu cầu phát triển cho từng giai đoạn, trên cơ sở đó cơ quan quản lý giáo dục sẽ cân đối phần vốn trong khả năng của ngân sách Nhà nước có thể đáp ứng, phần còn lại kêu gọi từ các nguồn vốn khác, trong có có nguồn vốn FDI. Đây sẽ là thông tin cơ bản và quan trọng nhất để nhà đầu tư tham khảo khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Một vấn đề nữa cần được quan tâm trong quá trình hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là việc tìm kiếm địa điểm. Đặc thù của cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng quốc tế là yêu cầu có diện tích tương đối lớn để xây dựng giảng đường, phòng học, thư viện, khu nghiên cứu...
Cho đến nay, rất ít cơ sở giáo dục đào tạo được cấp phép đáp ứng được yêu cầu này mà chủ yếu là các cơ sở quy mô nhỏ, hầu hết thuê địa điểm để cải tạo lại thành các phòng học. Vì vậy, cùng với những ưu đãi về giá thuê địa điểm để giảm một phần chi phí xây dựng dự án, các địa phương cần phải quy hoạch địa điểm cụ thể để phù hợp với những đặc điểm riêng nêu trên, đồng thời phải tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát địa điểm.
Đối với những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, cùng với việc quan tâm xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở cho công nhân, cần quy hoạch địa điểm dành cho các trường dạy nghề và các trung tâm đào tạo kỹ năng để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các cơ sở này phục vụ nhu cầu học nghề của số lượng lớn công nhân.
Ngoài ra, để thúc đẩy FDI vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trước mắt cần xây dựng và triển khai ngay hoạt động xúc tiến đầu tư theo chuyên ngành này. Theo đó cần có nghiên cứu và chuẩn bị thật tốt các thông tin về dự án kêu gọi đầu tư cũng như thông tin về khả năng đầu tư của các đối tác để có sự vận động thích hợp, đặc biệt là việc theo sát, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khi họ có ý định đầu tư tại Việt Nam để có cơ sở hình thành ý tưởng và xây dựng dự án.
Trí An
Theo TTVN
http://cafef.vn/kinh-te-vi-mo-dau-tu/eo-uot-nhu-fdi-vao-giao-duc-dao-tao-2013031814401932313ca33.chn
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,452.80 | 5,017.80 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,530.80 | 4,110.80 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,473.80 | 13,173.80 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,738.80 | 1,388.80 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 133
- Truy cập hôm nay: 948
- Lượt truy cập: 7785127