Theo Nghị quyết, Hà Nội tập trung hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; thực hiện các chính sách tài khóa; tháo gỡ thị trường bất động sản trên địa bàn; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của thành phố; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Để thực hiện được các giải pháp trên, Hà Nội tiếp tục chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, khắc phục những tồn tại đã chỉ ra sau khi kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp thực hiện cụ thể để tập trung thực hiện ngay. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô; triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của trung ương, thành ủy, các nghị quyết của hội đồng nhân dân thành phố.
Điểm cải tiến hơn là trong chỉ đạo, điều hành theo hướng rõ người rõ việc, rõ tiến độ, tránh tình trạng chung chung không hiệu quả, không có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm với những thiếu sót, sai phạm. Thành phố giao giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, coi đây là tiêu chí quan trọng nhất để kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đôn đốc thu ngân sách, tiến độ giải ngân và thực hiện các công trình trọng điểm của trung ương và thành phố; tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác phòng chống lụt bão và kế hoạch sản xuất vụ mùa 2013, vụ đông 2013-2014; phát triển chăn nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; giám sát không để dịch bệnh bùng phát; thực hiện các đề án, dự án, chương trình sản xuất lúa hàng hóa; phát triển nuôi trồng thủy sản; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; phát triển cây ăn quả, hoa cây cảnh…
Những vấn đề trên Hà Nội đã có kế hoạch bố trí vốn cụ thể, cũng như bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất; trong năm nay thành phố trích 150 tỷ đồng cho công tác xúc tiến, quảng bá thương mại để sản phẩm của Hà Nội tiếp cận doanh nghiệp, thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng đến công tác dự báo, kiểm soát thị trường, bình ổn giá cả, để tăng trưởng kinh tế với mức cao hơn.../.