Vẫn có thể giảm?
Khung giá bán lẻ điện vừa được Thủ tướng ban hành cho giai đoạn năm 2013-2015. Trong đó, mức giá tối thiểu là 1.437 đồng/kWh, thấp hơn 4,7% so với giá bán lẻ bình quân hiện nay. Mức giá tối đa là 1.835 đồng/kWh, cao hơn 21,6% so với giá hiện nay. Một khung giá như vậy ngụ ý rằng, giá điện của Việt Nam sẽ có thể tăng, cũng có thể giảm.
Song, đó chỉ là tính toán trên lý thuyết. Nhìn vào thực tế hiện nay, hi vọng về một khả năng giảm giá điện vẫn còn rất xa vời.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri, cho biết, khung giá được xác định dựa trên các dự báo về tăng giá nhiên liệu, chênh lệch tỷ giá trong các năm tới. Trong đó, mức giá tối đa 1.835 đồng/kWh vào năm 2015 là đã bao gồm cả việc phân bổ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 26.600 tỷ đồng của EVN.
Cho đến nay, tập đoàn đã xử lý được 11.000 tỷ đồng bằng nguồn lợi nhuận thu được trong năm 2012. Do đó, giá điện từ nay đến năm 2015 sẽ phải gánh 15.000 tỷ đồng còn lại.
Vị Phó Tổng giám đốc EVN tính toán, nhiều khả năng, EVN sẽ bù được khoản lỗ này vào năm 2014, nhờ hai năm gần đây, kinh doanh điện gặt hái nhiều thuận lợi. Mưa nhiều, thủy điện dồi dào nên năm nay, EVN chắc chắn không phát sinh lỗ. Mức lãi sau thuế dự kiến năm nay là 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá là chủ yếu. Theo phân tích của ông Tri, nhiên liệu đầu vào vẫn có thể tăng mạnh. Như đợt tăng giá ngày 1/8 vừa qua, nguyên nhân chủ yếu là do cú tăng mạnh kỷ lục của giá than bán cho điện, có loại tăng lên tới 50% so với trước.
Bên cạnh đó, giá khí bán cho các nhà máy điện hiện nay cũng vẫn chưa thị trường hóa. Tương lai, theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, giá khí bán cho điện cũng ngày một nhích dần.
Việc điều hành giá điện vẫn tuân theo Quyết định 24 của Thủ tướng năm 2011 về cơ chế giá điện theo thị trường. Theo đó, EVN vẫn phải dựa vào biến động đầu vào với ba thông số như giá nhiên liệu, tỷ giá và cơ cấu sản lượng điện huy động từ các nguồn điện khác nhau trên thực tế để tính toán các phương án giá điện. Mỗi lần điều chỉnh giá, EVN vẫn phải làm đề án trình Bộ Công Thương thẩm định, trình Bộ Tài chính và Chính phủ nếu đề xuất tăng quá 5%.
“Nếu các biến động đầu vào làm giá thành điện tăng lên thì EVN sẽ tăng giá điện, nếu giá thành điện đầu vào giảm thì EVN cũng giảm giá điện”, ông Tri nói.
Ví dụ như các khoản lỗ tỷ giá được bù xong, cơ cấu sản lượng điện phát thuận lợi, mưa nhiều, thủy điện - nguồn giá rẻ được huy động cao, tỷ giá không tăng, giá nhiên liệu không tăng thì giá điện có thể giảm xuống mức giá tối thiểu. Đơn cử như năm 2011, EVN đã lãi tới 4.000 tỷ đồng nhờ đồng Yên mất giá, chênh lệch tỷ giá có lợi. Tuy nhiên, các đồng tiền khác lại tăng giá nên EVN vẫn lỗ.
“Song, mọi tính toán dự báo đều cho thấy, ngành điện ít có cơ hội áp dụng mức giá tối thiểu mà Chính phủ công bố”, ông Tri nhấn mạnh.
EVN lãi nhiều hơn lỗ
Theo các chuyên gia ngành điện, ngoại trừ hai năm 2010-2011, EVN hầu như đều có lãi. Trong hai năm này, EVN lỗ tới 12.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn hán kéo dài, thủy điện cạn nước, công suất nguồn điện giá rẻ thấp.
Tỷ lệ thủy điện chiếm trên 60% nguồn điện, nhiệt điện và các nguồn khác chiếm gần 40%. Vào mùa khô, phần 40% nguồn điện này không đủ để gánh bù cho phần hơn 60% nguồn điện bị hao hụt còn lại. Trong khi đó, nguồn nhiệt điện than không thể tải vào miền Nam được vì năng lực truyền tải qua đường dây 500kV có hạn. Vì vậy, để đối phó với thiếu điện khu vực miền Nam, EVN đổ dầu vào chạy nên phát sinh lỗ. Thế nên mới có chuyện năm 2011, EVN giao chỉ tiêu lỗ cho các công ty con để phấn đấu giảm lỗ.
Trước nữa, giai đoạn 1994 đến trước năm 2010, trung bình mỗi năm, EVN có lãi khoảng 3.000- 4.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận khoảng 1,3-1,4%. Đến năm 2012, số lãi của EVN tăng lên là 6.000 tỷ đồng. Đây được coi là năm lãi cao nhất.
Tuy nhiên, các mức lãi đó không thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư nguồn điện và các khoản nợ kếch sù mà EVN đang gánh. Cùng đó, giá thành điện lại tăng cao, tương ứng với lộ trình tăng giá than, giá khí...
Chính vì vậy, theo lý giải của các vị chuyên gia trong ngành này, dù có lãi thì EVN vẫn tăng giá điện. Về bản chất, việc tăng giá điện thực chất là để giải quyết toàn bộ hệ quả của quá trình xây dựng nguồn điện, lưới điện với tổng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng. Hiện nay, nợ của EVN là cực lớn.
Gần 120 ngàn tỷ mà các ngân hàng nêu ra vừa qua chỉ là khoản vay trong nước. EVN là “chúa chổm” khi mà 70-80% vốn đầu tư các nguồn điện mới gần đây đều vay nước ngoài, chủ yếu là vay Trung Quốc.
Song, các vị chuyên gia trong ngành cũng tính toán, 9 tháng vừa qua, EVN tiết kiệm được 2,2 tỷ kWh. Sản lượng này nhân với giá bình quân 1.508 đồng/kWh, EVN tiết kiệm được tới hơn 3.317 tỷ đồng.
Khi EVN mới ra đời, tổn thất điện năng là 17-18%, giờ, tỷ lệ tổn thất còn 9%. Bình quân mỗi năm tiết giảm 1% tổn thất, nhân với tổng sản lượng điện 100.000 tỷ kWh, tương lai là sản lượng 300.000 tỷ kWh thì con số mà tập đoàn này tiết kiệm giảm giá thành sẽ cực kỳ lớn.
Vì vậy, EVN phải tìm mọi cách giảm giá thành điện, tiết kiệm điện, nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp điện để giảm áp lực tăng giá điện.
Theo Phạm Huyền
Vietnamnet
Thời gian | |||||
---|---|---|---|---|---|
Sydney | Tokyo | Hà Nội | HongKong | LonDon | NewYork |
Prices By songphucgold | ||
---|---|---|
We Sell | We Buy | |
37.5g ABC Luong Bar | ||
5,350.00 | 4,930.00 | |
1oz ABC Bullion Cast Bar | ||
4,445.50 | 4,045.50 | |
100g ABC Bullion Bar | ||
14,209.50 | 12,909.50 | |
1kg ABC Bullion Silver | ||
1,703.30 | 1,353.30 |
Powered by: Ngoc Thanh songphucgold
- Đang online: 425
- Truy cập hôm nay: 9476
- Lượt truy cập: 7759378